Làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế để phục hồi kinh tế
Việc nới trần làm thêm chỉ áp dụng đến hết năm 2022, đi kèm với đó là cần nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khoẻ của người lao động. Tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế để phục hồi kinh tế…
Thông tin được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết tại họp báo Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 ngày 6/4.
Thông tin tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động từ ngày 1 đến ngày 31/5/2022 được chính thức phát động vào ngày 28/4/2022 cùng với Tháng Công nhân.
Chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.
Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 sẽ tập trung vào các hoạt động chính như: Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tăng cường các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong các phân xưởng…
Trước những băn khoăn về việc bảo đảm chế độ, quyền lợi sức khỏe người lao động xung quanh việc tăng thời gian làm thêm vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua mới đây, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, cho biết chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp.
Theo ông Thắng, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm nhiều địa phương như TP. HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh có 95- 97% doanh nghiệp phải nghỉ, nhiều giải pháp như “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đếm” gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Nhiều đơn hàng, nhất là những đơn hàng xuất khẩu có khả năng đứt gãy, mất chuỗi cung ứng, thậm chí đối tác chuyển đơn hàng ra nước ngoài.
Ông Thắng cho biết, giờ làm thêm đã được quy định trong Bộ luật Lao động 2019, nhưng hiện phải nới giờ làm thêm, do qua khảo sát, có doanh nghiệp 60 - 70% lao động bị F0, gây ra thiếu hụt lao động cục bộ, nguy cơ đứt gãy đơn hàng.
Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên việc nới trần làm thêm chỉ áp dụng đến 30/12/2022, đi kèm với đó là nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khoẻ cho người lao động. "Đây là trần giờ làm thêm, phải có sự chấp thuận của người lao động thì chủ sử dụng lao động mới được sử dụng", ông Thắng lưu ý.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng đồng tình khi cho rằng, việc nới trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế để phục hồi kinh tế. Hết năm nay sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ luật Lao động, đi kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người lao động trong làm thêm giờ.