Lịch sử ghi nhận VN-Index thường tăng điểm trong tháng 4, nhà đầu tư nên lướt sóng kiếm lời?
Theo thống kê trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam thường sẽ tăng điểm trong tháng 04 với xác suất lên 55%. Nhà đầu tư có thể tập trung vào các chiến lược ngắn hạn, trong đó nhóm đầu tư công (xây dựng hạ tầng và VLXD), dịch vụ hàng không và ngân hàng có tỷ lệ CASA cao...
Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô và chứng khoán tháng 4 trong đó đánh giá GDP quý 1 chỉ tăng 3,32% do sự sụt giảm trong lĩnh vực Công nghiệp và xây dựng. Trong đó, lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 0.37%, đây là lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ Q3/2021, giai đoạn giãn cách xã hội.
Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng rõ rệt hơn từ sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, hàng hóa từ các nước phát triển, các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong ngắn hạn khó có thể kỳ vọng nhu cầu hồi phục từ các thị trường này.
Điểm tích cực nhất trong Q1/2023 đến từ nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ 14% so với Q1/2022, cao hơn mức trước dịch, và lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 29.7 lần so với cùng kỳ. Lạm phát tháng 3 đã có dấu hiệu chậm lại so với hai tháng trước, khẳng định rõ hơn quan điểm về khả năng lạm phát sẽ hạ nhiệt từ quý 2.
Dòng vốn FDI đăng ký mới vẫn chưa có tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trong ngắn hạn, tuy nhiên vốn giải ngân vẫn duy trì tốt và chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về dòng vốn FDI trong trung và dài hạn. Hoạt động xuất nhập khẩu khá cầm chừng trước nhu cầu suy yếu từ các đối tác chính, nhưng cán cân thương mại duy trì xuất siêu là yếu tố hỗ trợ cho vấn đề tỷ giá.
Mặc dù mức tăng trưởng GDP quý 1 không mấy khả quan, Yuanta cho rằng mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 vẫn ở mức khoảng 6%, đã điều chỉnh giảm so với dự báo 6,6% đưa ra vào cuối 2022 do mức tăng trưởng yếu trong quý 1, và duy trì quan điểm đà tăng trưởng phần lớn đến từ hoạt động đầu tư công và sự hồi phục của lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Động lực tăng trưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu, vốn FDI sẽ rõ ràng hơn vào nửa cuối năm 2023 khi các nước phát triển giảm dần các chính sách thắt chặt kinh tế.
Đối với thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,064.64 điểm tăng 3,9% so với tháng trước. Đồng thời, quy mô khối lượng giao dịch tháng 02/2023 tăng nhẹ 2% cho thấy dòng tiền có dấu hiệu cải thiện, nhưng mức tăng vẫn còn thấp. Ngoài ra, đồ thị giá của chỉ số VN-Index vẫn giao dịch dưới đường trung bình 50 tháng.
Theo mô hình giá, chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn sóng điều chỉnh C và xu hướng dài hạn chưa rõ ràng cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong tháng 04. Rủi ro dài hạn có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng xu hướng dài hạn vẫn duy trì ở mức giảm.
Theo thống kê trong lịch sử, thị trường chứng khoán Việt Nam thường sẽ tăng điểm trong tháng 04 với xác suất lên 55%. Xác suất tăng điểm trong tháng 4 tại thị trường chứng khoán Mỹ cũng ở mức rất cao cho nên kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong tháng 04 với vùng kháng cự 1.095 – 1.100 điểm.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp cho đến khi xu hướng dài hạn rõ ràng hơn và chuyển sang xu hướng tăng dài hạn.
Đồng thời, các nhà đầu tư có thể tập trung vào các chiến lược ngắn hạn, trong đó nhóm đầu tư công (xây dựng hạ tầng và VLXD), dịch vụ hàng không và ngân hàng có tỷ lệ CASA cao có thể sẽ là những nhóm cổ phiếu phù hợp cho chiến lược ngắn hạn.