16:12 14/02/2023

Liên kết giữa doanh nghiệp và đào tạo còn lỏng lẻo

Đỗ Như

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp lỏng lẻo, đóng góp của doanh nghiệp vào giáo dục đào tạo gần như là số không nên hệ thống phòng thí nghiệm cho hoạt động nghiên cứu ở đại học còn ít, chưa theo kịp sản xuất...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cử tri TP.HCM cho rằng, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đóng góp của doanh nghiệp vào giáo dục đào tạo gần như là số không, nên hệ thống phòng thí nghiệm cho hoạt động nghiên cứu ở đại học còn ít, chưa theo kịp sản xuất, chưa hỗ trợ giải quyết có hiệu quả những khó khăn, những thách thức của nền công nghiệp trong giai đoạn hiện đại hóa.

Do đó, cử tri kiến nghị nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, góp phần là cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. Theo đó, Bộ khẳng định vấn đề thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệp là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

NHIỀU GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HỢP TÁC

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nhiều nội dung thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp như: “gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ…”.

Ngày 1/1/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó có nội dung nghiên cứu và triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy kết nối nhà trường và doanh nghiệp do Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trì thực hiện.

Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệ như ban hành Quyết định số 68/2008/QĐBGDĐT ngày 09/12/2008 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Các Thông tư ban hành quy định về mở ngành, xác định chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đều quy định vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của việc doanh nghiệp tham gia phối hợp với cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, để chất lượng giáo dục đại học ngày càng tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ giảng viên, trang bị đủ về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản trị đại học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bộ đã và đang thực hiện nhiều đề án, dự án liên quan đến nội dung này như Đề án 69 về nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025, Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030…  Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhà trường gặp gỡ và ký kết hợp tác.

CÒN HẠN CHẾ VỀ ĐẶT HÀNG ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU

Năm 2021, Bộ Giáo dục Đào tạo đã thực hiện khảo sát tình hình hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp và nhận được kết quả là hơn 90% các cơ sở đào tạo có hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo không có hợp tác với doanh nghiệp chủ yếu thuộc các khối ngành lĩnh vực nghệ thuật.

Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo, trong đó có nhiều trường đại học có hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp.

Kết quả trên cho thấy việc hợp tác giữa doanh nghiệp với trường đại học tương đối chặt chẽ, các cơ sở đào tạo đã nhận thức được sự cần thiết của việc đẩy mạnh mối quan hệ này, các doanh nghiệp cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cùng với các cơ sở đào tạo.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc hợp tác với các cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, đồng tổ chức các sự kiện cho sinh viên, tham gia góp ý chương trình đào tạo và trao học bổng sinh viên. Các nội dung khác như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu, đồng nghiên cứu khoa học hoặc tài trợ trang thiết bị cho cơ sở đào tạo còn hạn chế.

Tuy nhiên, những nội dung này cũng gặp phải nhiều khó khăn từ thủ tục trong việc tiếp nhận tài trợ của doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng trang thiết bị do doanh nghiệp tài trợ cũng gặp phải không ít khó khăn về mặt thủ tục hành chính và pháp lý.

Để việc hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được mở rộng ở nhiều nội dung hơn nữa, cần có sự tác động và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý các cấp. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng quy trình hợp tác, quy trình tiếp nhận, sử dụng và quản lý tài trợ chặt chẽ, minh bạch giúp cho việc trao tặng hoặc tiếp nhận được thuận lợi.