15:19 29/07/2022

Loạt doanh nghiệp “ỉm” thông tin đại hội cổ đông

Đỗ Mến

Đã cuối tháng 7/2022, quá thời hạn quy định song nhiều doanh nghiệp không công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo khoản 2, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, HĐQT quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Tuy nhiên, theo thông báo số 2447 ngày 27/7/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đến nay có 56 doanh nghiệp không công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 gồm CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An (mã KAC), CTCP Nhựa Sài Gòn (mã NSG), CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (mã PPI), Tổng CTCP Sông Hồng (mã SHG); các công ty thuộc “họ” Sông Đà như CTCP Sông Đà 27 (mã S27), CTCP Sông Đà 9.06 (mã S96), CTCP Sông Đà 1 (mã SD1), CTCP Sông Đà 8 (mã SD8), CTCP Sông Đà 207 (mã SDB), ctcp Phòng cháy chữa cháy và Đầu tư Xây dựng Sông Đà (mã SDX)…

Nếu 2 năm trước, phần lớn doanh nghiệp chậm họp tổ chức đại hội đồng cổ đông "đổ thừa" lý do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Sang năm nay, mặc dù cơ quan quản lý “nhắc nhở” song nhiều doanh nghiệp không giải trình lý do không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Do đó, HNX đã áp dụng hình thức hạn chế giao dịch đối với các cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch đó.

Trong danh sách trên, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ảm đạm như CTCP Đầu tư và Phát triển dự án Hạ tầng Thái Bình Dương có lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 là âm 697 tỷ đồng. Theo công ty, nguyên nhân lỗ do chưa có công trình, dự án mới triển khai, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn phải duy trì để phục vụ kế hoạch sản xuất.

Hoặc Tổng công ty Sông Hồng bị duy trì lệnh hạn chế giao dịch từ ngày 27/7/2021 đến nay do tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung và không có biện pháp khắc phục. Đến nay, doanh nghiệp này cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý 1, quý 2/2022. Trong khi đó, BCTC bán niên 2021 công ty mẹ, kiểm toán đưa các ý kiến ngoại trừ. Tại ngày 31/12/2021, công ty mẹ lỗ lũy kế 1.057 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 730 tỷ đồng.

Theo Quy chế Đăng ký giao dịch, các cổ phiếu thuộc danh sách trên sẽ được giao dịch trở lại bình thường sau khi tổ chức đăng ký giao dịch khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Sau lùm xùm sai phạm của dàn lãnh đạo, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC rơi vào diện cảnh báo từ ngày 11/7/2022 do tổ chức niêm yết chưa tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021. FLC giải trình nguyên nhân chậm họp đại hội đồng cổ đông là do các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành do công ty chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp. Vì lý do trên, FLC chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu họp để tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 theo quy định.

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin họp đại hội đồng cổ đông chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường song ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều cổ đông, tính minh bạch thông tin và tuân thủ pháp luật của lãnh đạo doanh nghiệp.