Lợi nhuận nhóm phân bón hóa chất bất ngờ tăng mạnh trong quý 1/2024, triển vọng nào cho cổ phiếu?
Mùa kết quả kinh doanh quý 1/2024 đã đi được một nửa chặng đường, nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và vượt trội hơn so với thị trường chung trong đó có nhóm phân bón...
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 tỏng đó ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.885 tỷ đồng tăng 1,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm hơn 6,7%, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận 382 tỷ đồng tăng 46,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí, thuế, DCM ghi nhận lãi 349 tỷ đồng tăng 52,21% so với năm ngoái.
Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ doanh thu quý đầu năm ước đạt hơn 3.200 tỷ và có lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đạt sát kế hoạch quý. Tổng sản lượng kinh doanh phân bón đạt 109% kế hoạch và sản lượng kinh doanh hóa chất 117% kế hoạch quý.
Biên bản họp không nêu rõ lợi nhuận trước hay sau thuế. Theo kết quả quý I/2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận gần 3.265 tỷ doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 301 tỷ và lãi sau thuế 262 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 năm 2024 với lợi nhuận sau thuế quý này đạt 52,4 tỷ đồng tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Theo lý giải của ban lãnh đạo LAS, quý này thị trường phân bón trong nước và thế giới biến động khó lường làm cho công ty gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mua nguyên vận liệu đầu vào đặc biệt là quặng Apatits làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty.
Để đáp ứng và giữ vững được thị trường phân bón ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có những cải tiến kỹ thuật và linh hoạt trong việc mua quặng Appatits đủ để sản xuất Supe lân nên lượng tiêu thụ phân bón trong quý này đủ cung cấp ra thị trường nên sản lượng tiêu thụ tăng 48,632 tấn bằng 124,4% so với cùng kỳ, do vậy doanh thu thuần tăng 231,4 tỷ đòng lợi nhuận gộp từ bán hàng tăng 21,8tỷ đồng bằng 117% so với quý 1/2023.
Về quản lý công nợ, quản trị và điều tiết dòng tiền hiệu quả nên chi phí tài chính quý này giảm 4,6 tỷ nhưng doanh thu tài chính tăng 6,3 tỷ so với cùng kỳ và đã mang lại hiệu quả hoạt động từ hoạt động tài chính.
Nhóm cổ phiếu phân bón đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Mới đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5- tháng 6.
Trong đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Mỗi năm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) số tiền các đơn vị sản xuất phân bón không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng, con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo LAS cũng cho biết, Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, vì không được khấu trừ thuế đầu vào, Công ty bị thiệt hại trung bình trên dưới 100 tỷ đồng/năm. Con số này đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng trong gần 10 năm qua. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Như vậy, nếu được thông qua VAT 5%, LAS sẽ được khấu trừ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, bù đắp lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp trong những năm tới đây.
SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x.
Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ có thể xem xét thay đổi trạng thái thuế giá trị gia tăng đối với các doanh sản xuất phân bón từ “không chịu thuế giá trị gia tăng” sang “chịu 5% giá trị gia tăng”. Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024 và có thể được thông qua sớm nhất tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo (tháng 10/2024). Nếu dự thảo được thông qua, thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025 trong kịch bản tốt nhất.