16:20 11/12/2015

Luật Biểu tình có khả năng lại “lỡ hẹn”

Nguyễn Lê

Dự thảo luật đã xong và được gửi xin ý kiến các bộ, ngành nhưng vẫn còn một số nơi chưa hồi âm

Ở kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 13, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực
 hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, quyết định
 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Ở kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 13, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Luật Biểu tình được giao cho Bộ Công an soạn thảo, nhưng nếu trình Quốc hội vào tháng 3/2016 thì rất khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết tại phiên họp chiều 11/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình xây dựng luật đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016), sau nhiều lần xin hoãn, xin lùi.

Ông Nam cho biết, hiện nay dự thảo luật đã xong và được gửi xin ý kiến các bộ, ngành nhưng vẫn còn một số nơi chưa hồi âm. Vì thế nếu trình đúng tiến độ thì rất khó khăn.

Đề xuất của ông Nam là, nếu không thể trình Luật Biểu tình, thì sẽ xin đưa Luật Cảnh vệ vào kỳ họp tới của Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng sẽ không có điều kiện thẩm tra Luật Cảnh vệ. Vì hiện nay ủy ban này đang tập trung nghiên cứu, chuẩn bị hội thảo để phục vụ thẩm tra dự án Luật Biểu tình.

Đại diện Bộ Quốc phòng tại phiên họp thông tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ triệu tập hội nghị Quân ủy Trung ương để xem xét sau đó sẽ có ý kiến về dự án Luật Biểu tình.

Luật Biểu tình quyết tâm là cho ý kiến trong nhiệm kỳ Quốc hội này nên cố gắng để trình Quốc hội bàn lần thứ nhất vào kỳ họp tháng 3 năm sau, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp tới thì dự án Luật Biểu tình sẽ được thảo luận tại tổ nửa ngày và ở hội trường nửa ngày.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, bao gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí sẽ xem xét dự án Luật Hành chính công - sáng kiến lập pháp của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - và nếu đạt yêu cầu thì sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11.

Ở kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 13, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Quốc hội cũng sẽ quyết định kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2016 - 2020

Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng nằm trong  nghị trình kỳ họp tới.

Dự kiến Quốc hội làm việc 12 ngày rưỡi; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/3/2016 và bế mạc vào sáng 6/4/2016, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.