13:23 18/06/2024

Mặc nỗ lực cứu bất động sản, giá nhà ở Trung Quốc vẫn tụt dốc

Điệp Vũ

Cách đây 1 tháng, Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp để giải cứu thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá bán nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 5 giảm mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ trở lại đây, một dấu hiệu cho thấy gói giải cứu bất động sản được đánh giá là “lịch sử” của nước này vẫn chưa thể giúp nhu cầu khởi sắc.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 17/6 cho thấy giá nhà mới tại 70 thành phố lớn ở nước này giảm 0,7% trong tháng 5 so với tháng 4. Đây là mức giảm tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2024 - theo hãng tin Reuters.

Còn theo phân tích của công ty Macquarie Group, giá nhà đã qua sử dụng tại 70 thành phố trên giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất từ trước đến nay.

Cách đây 1 tháng, Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp để giải cứu thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng, bao gồm yêu cầu chính quyền các địa phương mua nhà tồn từ các chủ đầu tư đang gặp khó và nới lỏng các quy định đối với việc mua nhà.

“Thực lòng mà nói, 1 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để gói giải cứu bất động sản có thể phát huy tác dụng”, một báo cáo ngày 17/6 của ngân hàng Societe Generale nhận định. Theo báo cáo này, các biện pháp của Trung Quốc - bao gồm cung cấp khoản vay giá rẻ cho các doanh nghiệp quốc doanh để mua nhà tồn - sẽ cần thời gian để mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản.

Các số liệu khác về ngành bất động sản Trung Quốc vẫn cho thấy một bức tranh ảm đạm. Đầu tư bất động sản ở nước này trong 5 tháng đầu năm giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu từ NBS ngày 17/6. Trong cùng khoảng thời gian, doanh số bán nhà mới giảm 28%.

Tuy nhiên, cũng theo các số liệu được công bố gần đây, một số khu vực khác trong nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy sự khởi sắc. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tăng 3,7% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc từ mức tăng 2,3% ghi nhận trong tháng 4 và vượt dự báo của giới phân tích.

Phần lớn sự tăng trưởng này được cho là đến từ chương trình lớn của Chính phủ cho phép người tiêu dùng đổi ô tô và thiết bị gia dụng cũ lấy đồ mới nhằm kích thích tiêu dùng. Tuần lễ nghỉ Quốc tế lao động từ ngày 1-5/5 cũng là một động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.

Theo dữ liệu hải quan công bố vào đầu tháng này, xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023.

Dù vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc mất đà trong tháng 5, với mức sản lượng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 6,7% của tháng 4. Đầu tư tài sản cố định và giá trị nhập khẩu cũng không đạt kỳ vọng.

“Tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc đang diễn ra không đều”, với xuất khẩu vẫn là động lực chính và lĩnh vực bất động sản là một trở ngại - các nhà phân tích của Macquarie nhận định.

Do nhu cầu tiêu dùng nội địa còn yếu, nguy cơ giảm phát vẫn đeo bám Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Trung Quốc chỉ tăng 0,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với mức tăng của tháng 4 và thấp hơn so với dự báo. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 5 của nước này giảm 1,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 20 liên tiếp.

“Dù tăng trưởng của Trung Quốc hiện không đều, chúng tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ để giữ cho tăng trưởng đi đúng hướng trong năm nay, đạt mục tiêu khoảng 5%”, một báo cáo của ngân hàng HSBC nhận định.