Trung Quốc siết xây dựng để giảm lượng nhà thừa mứa
Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kéo dài đang kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...
Theo nguồn tin của tờ báo Nikkei Asia, Trung Quốc đã triển khai siết hoạt động xây dựng tại một số khu vực nhằm giảm lượng khổng lồ nhà ế đang tồn đọng trên thị trường.
Cụ thể, các quy định hạn chế do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đưa ra yêu cầu các chính quyền địa phương dừng bán đấu giá quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp phát triển bất động sản ở những thành phố có lượng nhà ế mà phải mất từ 3 năm trở lên để giải quyết. Theo tiêu chí này, có hơn 40% thành phố lớn tại Trung Quốc nằm trong diện bị siết hoạt động xây dựng.
Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kéo dài đang kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã lập một quỹ trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD) để hỗ trợ chính quyền các địa phương mua nhà ế trên thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi những căn nhà này thành nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích cung cấp tín dụng thêm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ cho sáng kiến này.
Tuy nhiên, chương trình này được đánh giá là “quá nhỏ" để tạo ra bước tiến thực sự trong việc giảm lượng nhà ế khổng lồ hình thành trong suốt hơn 2,5 năm qua. Theo ước tính của công ty Tianfeng Securities, để giải quyết lượng nhà tồn trên thị trường bất động sản Trung Quốc cần ít nhất 7 nghìn nhân dân tệ.
Tại Trung Quốc, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước. Các chính quyền địa phương có chức năng bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các công ty bất động sản để xây dựng. Với các quy định mới của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc – cơ quan giám sát chính sách sử dụng đất – hoạt động cấp phép quyền sử dụng đất này sẽ bị hạn chế.
Các thành phố có thể tiếp tục cấp phép quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp bất động sản khi lượng nhà tồn trên thị trường giảm xuống dưới ngưỡng 3 năm. Tức là, khi lượng nhà tồn chỉ mất dưới 3 năm để giải quyết thì hoạt động xây dựng sẽ được tiếp tục. Tại nhiều thành phố, nơi khoảng thời gian cần để giải quyết nhà tồn nằm trong khoảng 2-3 năm, số lượng giấy phép sử dụng đất được cấp phải dưới một mức trần.
Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, vào cuối tháng 4, lượng nhà tồn tính theo diện tích mặt sàn tại Trung Quốc đã tăng 24% so với cùng thời điểm một năm trước. Trong khi đó, giá bình quân nhà mới xây tại 70 thành phố lớn tại Trung Quốc đã giảm 0,6% trong tháng 4, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2014.
Giá giảm gây áp lực lớn tới các công ty phát triển bất động sản vốn đang ngập trong nợ tại Trung Quốc, làm gia tăng rủi ro phá sản hàng loạt trong lĩnh vực này, đồng thời khiến nhiều ngân hàng đối mặt rủi ro nợ xấu.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các hạn chế mới dù có thể giúp hạn chế tình trạng dư cung trên thị trường, nhưng lại làm ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính của các chính quyền địa phương. Đó là bởi nguồn thu chính của nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đến từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Tính tới tháng 3, hơn 40% trong số 100 thành phố lớn nhất Trung Quốc có lượng tồn nhà ở cần trên 3 năm để giải quyết. Tỷ lệ này tăng từ mức dưới 20% vào cuối năm 2022 và khoảng 30% vào cuối năm 2023. Trong đó, với tốc độ bán hiện tại, ít nhất có 1 thành phố cần hơn 10 năm để giải quyết nhà tồn.
Năm 2023, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất của các chính quyền địa phương Trung Quốc giảm 33% so với mức đỉnh năm 2021. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh nếu các quy định hạn chế trên được thực thi nghiêm ngặt.
Trong khi đó, về phía cầu, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự phục hồi trong nhu cầu của người mua nhà. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt tốc, kỳ vọng giá nhà sẽ giảm thêm nữa khiến người mua nhà tiềm năng giữ tâm lý chờ đợi.
Theo viện nghiên cứu China Index Academy, doanh số bán nhà ở mới xây theo diện tích mặt sàn tại Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động vào đầu tháng 4 đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số này hiện thấp hơn khoảng 30% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.