14:00 20/03/2022

Mở cửa du dịch: Thông thoáng nhưng không chủ quan

Thu Hằng

Sau hơn hai năm “đóng băng” vì dịch bệnh, ngành du lịch đang dần hồi sinh trở lại. Hiện các địa phương có tiềm năng lớn về du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách du lịch, song theo các chuyên gia, dù mở cửa thông thoáng nhưng vẫn cần chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo an toàn trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp…

Chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham dự Tọa đàm. Ảnh - Chu Xuân Khoa.
Chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham dự Tọa đàm. Ảnh - Chu Xuân Khoa.

Chia sẻ tại tọa đàm “Mở cửa du lịch hậu Covid: Những vấn đề nóng cần giải quyết” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/3/2022, các chuyên gia, nhà quản lý đã gợi mở nhiều giải pháp để du lịch Việt Nam tái mở cửa thuận lợi nhất.

KHI ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ SẴN SÀNG ĐÓN KHÁCH DU LỊCH 

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, nhận xét Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng lớn về du lịch, tuy nhiên cũng như các địa phương khác trên cả nước, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện cũng đã làm “đóng băng” các hoạt động du lịch tại đây gần hai năm qua. Nếu như năm 2020, dịch Covid-19 mới chỉ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của tỉnh trong một vài tháng, thì sang năm 2021 dịch bùng phát mạnh khiến khó khăn chồng chất.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh tại Đối thoại ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh tại Đối thoại ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

“Năm 2020, dù có những vướng mắc nhưng chúng tôi vẫn đạt tiến độ khả quan, đón gần hơn 9 triệu lượt khách, nhưng đến năm 2021 tình hình kém đi, gần như suốt năm chỉ khai thác được khoảng 1,5 tháng. Ngành du lịch Quảng Ninh dù xác định phải tranh thủ mọi thời cơ để đón khách nhưng cũng chỉ đạt hơn 3 triệu khách trong năm, tỷ lệ này là rất thấp so với các năm trước”, ông Phạm Ngọc Thủy thông tin.

Tuy nhiên, ngày 15/3 vừa qua được xem là dấu mốc “rã đông” cho ngành du lịch cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng, tỉnh cũng là một trong 5 địa phương trong cả nước được Tổng cục Du lịch đề xuất lên Chính phủ đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm. Với những tín hiệu tích cực này, cùng với tốc độ bao phủ vaccine rộng và năng lực kiểm soát dịch bệnh, ông Thủy kỳ vọng 2022 sẽ là năm phục hồi của du lịch.

Với riêng Quảng Ninh, để chuẩn bị cho sự mở cửa trở lại, từ cuối năm 2021 tỉnh đã ban hành một số chính sách kích cầu, đơn cử như hồi tháng 12/2021 đã miễn giảm 50% vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên Tử cho du khách. Hiện địa phương cũng đang xây dựng thêm các chính sách khác để chuẩn bị cho việc phục hồi.

“Cùng với Chương trình thí điểm đón khách quốc tế của Chính phủ, chúng tôi cũng xây dựng các chương trình rất cụ thể. Đặc biệt, tập trung khai thác khách nội địa, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả về vấn đề lao động, đào tạo”, ông Thủy nói và khẳng định, đến thời điểm này, tỉnh gần như đã sẵn sàng các điều kiện để chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới. Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện khác để đón khách nước ngoài, dự kiến trung tuần tháng 4 sẽ đón những đoàn khách đầu tiên đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ.

Cũng để chuẩn bị đón khách trở lại, ông Thủy cho biết tỉnh cũng đã làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhằm rà soát những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khẳng định tất cả những vấn đề có thể giải quyết được theo thẩm quyền của địa phương thì tỉnh sẽ tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Mặc dù mở cửa du lịch là phải an toàn trong phòng chống dịch, tuy nhiên lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng không nên còn khái niệm “bong bóng du lịch”, mà bài toán đặt ra thời điểm này là có cách làm khác, đây không phải là vấn đề quản lý nữa mà là quản trị rủi ro, và phải bắt đầu từ chính doanh nghiệp, các khách sạn, khu du lịch.

“Điều này có nghĩa là khi đón khách du lịch vào phải đảm bảo an toàn, đầu tiên là kiểm soát để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch từ khách sang chúng ta và ngược lại. Cách làm của Quảng Ninh là xây dựng một bộ tiêu chí cho các cơ sở du lịch, khu du lịch với các điều kiện đảm bảo an toàn, chỉ các đơn vị đảm bảo an toàn mới được đón khách chứ không phải tất cả”, ông Thủy lưu ý.

Mặt khác, với khách du lịch điều kiện vào có thể đơn giản song những người phục vụ cần đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, thậm chí test định kỳ để xác định không có tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Một hướng đi cũng được tỉnh áp dụng theo ông Thủy là sẽ hướng đến các địa điểm du lịch ngoài trời, thông thoáng với điều kiện không gian tốt để hạn chế khả năng lây nhiễm như: Hạ Long, Yên Tử, Bình Liêu…

Ngoài các điều kiện trên, ông Thủy cho rằng muốn phục hồi du lịch thì một trong những vấn đề cần chuẩn bị tốt nữa là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp sự dịch chuyển lao động từ khối du lịch, dịch vụ sang các ngành khác rất lớn, muốn kéo họ trở lại là không dễ dàng.

Các hoạt động du lịch chính thức được mở cửa trở lại. Ảnh sưu tầm. 
Các hoạt động du lịch chính thức được mở cửa trở lại. Ảnh sưu tầm. 

Với Quảng Ninh, ngoài du lịch còn có công nghiệp chế biến chế tạo rất phát triển, thời gian qua đây là lĩnh vực tạo việc làm tốt nên bây giờ muốn kéo người lao động lĩnh vực này quay lại cũng phải có cách thức khác. Vì thế, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lao động trong các doanh nghiệp, từ đó đưa ra các chương trình đào tạo cụ thể.

“Chúng tôi cho rằng, du lịch chất lượng cao không khải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là con người 5 sao, 6 sao, nếu làm không được thì chúng ta không kịp có du lịch chất lượng tốt. Lao động ngành này phải được đào tạo bài bản, chẳng hạn chỉ một bữa ăn nhưng cũng cần cách phục vụ thế nào, rót rượu ra sao, những thứ đơn giản như vậy nhưng đều phải được đào tạo”, lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh nhấn mạnh.

MỞ CỬA NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Nếu như địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón khách trở lại, thì du khách lại càng hào hứng và quan tâm tới quy định phòng chống dịch của Việt Nam. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thừa nhận rằng các quy định của Việt Nam hiện nay đối với khách nhập cảnh là khá thông thoáng.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tại Đối thoại ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tại Đối thoại ngày 20/3. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Hiện khách quốc tế vào Việt Nam không yêu cầu hộ chiếu vaccine và chứng nhận tiêm chủng, chỉ yêu cầu có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp test nhanh.

“Như vậy chúng ta còn thoáng hơn cả Singapore là 48 tiếng vì chúng ta có tận 72 tiếng. Những khách ở xa đi tận 2 - 3 ngày vẫn không phải xét nghiệm lại, còn về đường bộ cũng quy định có xét nghiệm PCR hoặc test nhanh, nhưng vì đường bộ có thể đi mất nhiều ngày hơn nên khách có thể xét nghiệm tại điểm đến, nếu kết quả âm tính thì được đi lại bình thường, còn dương tính thì chuyển cơ quan y tế để xử lý theo quy định”, ông Nga cho biết.

Theo ông Nga, Việt Nam thuộc top đầu trong nhóm nước có những chính sách thông thoáng để mở cửa du lịch, đó là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, kinh nghiệm phòng chống dịch và y tế sẵn sàng phương án cấp cứu, thuốc men để đảm bảo cho khách du lịch không lo lắng nếu bị nhiễm bệnh khi vào Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cả nước vẫn ghi nhận gần 200.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo vẫn có thể xuất hiện những biến thể mới nguy cơ gây ra những làn sóng đại dịch mới, nên chúng ta vừa mở cửa thông thoáng nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho du khách. “Đây là thách thức của ngành y tế, du lịch”, ông Nga nhấn mạnh.

Còn đối với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lữ hành, khách sạn, ông Nga cho rằng cần có sự chuẩn bị rất bài bản bằng cách huấn luyện và đào tạo cho nhân viên làm dịch vụ về công tác phòng chống dịch Covid-19 như về cấp cứu, thậm chí có thể cấp chứng chỉ cho nhân viên để khách du lịch yên tâm.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhắc lại, để mở cửa du lịch an toàn, du khách cần thực hiện đúng quy định của chính phủ Việt Nam, đặc biệt là 5K để đảm bảo sức khỏe của chính mình. Với doanh nghiệp là đào tạo huấn luyện cho nhân viên của mình ứng phó với tình hình dịch, khi chuẩn bị đón khách nên có đầu tư bài bản.

Còn phía cơ quan quản lý, Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế cần phối hợp với nhau để xây dựng sổ tay riêng cho phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực lữ hành để các đơn vị, hướng dẫn viên, người làm công tác du lịch thực hiện được.