11:27 21/07/2022

MSB chuẩn bị phát hành thêm 470 triệu cổ phiếu

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.582,5 tỷ đồng lên gần 20.000 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, thực hiện phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hông qua, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472.500.000 cổ phần phổ thông. Trong đó bao gồm 458.250.000 cổ phần phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% so với vốn điều lệ hiện tại; 14.250.000 cổ phần phổ thông phát hành cho người lao động theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022.

Như vậy, tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.725 tỷ đồng. Theo đó, số lượng cổ phiếu sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.

Mục đích phát hành là củng cố vị thế cạnh tranh nhờ tăng quy mô, nâng cao chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn trung và dài hạn, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư hệ thống cho ngân hàng.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ của MSB
Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ của MSB

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Dự kiến, việc tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện trong năm 2022 sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Về kế hoạch kinh doanh, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản ở mức 233.000 tỷ đồng, tăng 14%.Vốn điều lệ tăng 31% lên 20.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) lên kế hoạch ở mức 130.752 tỷ đồng, tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Vốn huy động đạt 123.808 tỷ đồng, tăng 15%.

Ngoài ra, MSB sẽ thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB. MSB dự kiến sẽ tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Chia sẻ thêm về thương vụ thoái vốn trên, lãnh đạo MSB cho biết đang tiếp xúc với hai đối tác nước ngoài khác có quan tâm. Giá trị thương vụ tại thời điểm hiện tại không khác nhiều so với đối tác Nhật Bản trước đó dự kiến trả cho ngân hàng.