14:00 01/09/2022

Mùa hè bùng nổ của hàng không Việt, sản lượng hành khách qua 21 cảng đạt hơn 66 triệu

Ánh Tuyết

8 tháng năm 2022, sản lượng hành khách qua 21 cảng hàng không ACV quản lý ước đạt hơn 66 triệu. Những dấu hiệu phục hồi tích cực của hàng không Việt cũng được ghi nhận như: sản lượng khách nội địa cao nhất lịch sử vào ngày 10/7; nhiều cảng hàng không khai thác vượt công suất tại nhà ga nội địa...

Các cảng hàng không do ACV quản lý sẽ tập trung nâng cấp công nghệ, hướng tới sân bay thông minh.
Các cảng hàng không do ACV quản lý sẽ tập trung nâng cấp công nghệ, hướng tới sân bay thông minh.

Thông tin tại buổi tổng kết công tác khai thác, chất lượng dịch vụ 8 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam hồi phục và bắt đầu tăng trưởng, đặc biệt là sản lượng hành khách nội địa.

Cụ thể, sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 66 triệu hành khách. Trong đó, tính riêng hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với thời kỳ trước dịch (năm 2019). Hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng có sự gia tăng qua các tháng. 

Đáng chú ý, ngày 10/7 là ngày có sản lượng hành khách cao nhất, đạt 414.222 khách.

Trong đó, sản lượng hành khách nội địa đạt 373.540 khách, vượt qua sản lượng cao nhất đạt vào ngày 26/07/2020 là 343.492 khách.

 

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm hè 2022 sản lượng tăng rõ rệt so với năm 2019. Cụ thể, tháng 4 tăng 19%; tháng 5 tăng 32%, tháng 6 tăng 40%, tháng 7 tăng cao nhất, lên đến 42%, tháng 8 cũng tăng 40%. Nhiều cảng hàng không khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa như: Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…

Đây cũng là ngày có sản lượng hành khách nội địa cao nhất trong lịch sử khai thác của ACV.

Về sản lượng hàng hoá 8 tháng đầu năm 2022 qua các cảng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có sự thay đổi nhẹ trong tỷ trọng sản lượng hàng hóa quốc tế/quốc nội năm 2022 với tỷ lệ 79/21, trong khi năm 2019 là 66/34. 

Như vậy, "các tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác nội địa hồi phục hoàn toàn khi sản lượng cất hạ cánh vượt qua mức sản lượng cất hạ cánh cao nhất của năm 2019, thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đạt 157.762 lượt cất hạ cánh, tăng 3% so với năm 2019", ACV nhấn mạnh.

Cũng trong những tháng đầu năm, tỷ lệ chậm chuyến bay trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng nóng, đạt 22,41%, tương ứng 39.894 chuyến chậm trong tổng số 178.010 chuyến cất cánh.

Qua số liệu thống kê cho thấy, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là khai thác của hãng, chiếm 92,79%; do thời tiết chiếm 1,61%, do trang thiết bị dịch vụ của cảng chiếm 0,09%; do điều hành bay chiếm 0,27%, do các nguyên nhân khác chiếm 5,25%.

Tại hội nghị, các đơn vị cũng đề cập đến việc đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin tại các cảng hàng không thời gian tới như ứng dụng chuyển đổi số tại các cảng hàng không trực thuộc như hệ thống Kiosk check-in dùng chung, Bagdrop dùng chung, eGate (Self Boarding Gate), nghiên cứu và ứng dụng Biometric (IATA One Id), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Biometric Technology with Security (sinh trắc học an ninh)... nhằm hướng tới sân bay thông minh. 

Để chuẩn bị cho kế hoạch những tháng cuối năm 2022 và chuẩn bị cho kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2023, lãnh đạo ACV yêu cầu các cảng hàng không đảm bảo an toàn cho người lao động và hành khách đi máy bay, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và các điều kiện khai thác.

Các cảng hàng không phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi các ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại...

"Các cơ quan, đơn vị chung tay quyết liệt siết chặt công tác phối hợp điều hành, đảm bảo an toàn hoạt động bay và chất lượng dịch vụ trong điều kiện sản lượng vận chuyển tăng trưởng nóng", lãnh đạo ACV nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng cường công tác theo dõi, kiểm soát slot tuân thủ đúng quy định, đồng bộ, thống nhất tại các cảng hàng không để hạn chế áp lực hạ tầng cảng hàng không do dồn chuyến vào các khung giờ cao điểm đồng thời đảo bảm công tác phòng chống dịch Covid -19.

Lãnh đạo ACV cũng yêu cầu công tác chuyển đổi số cần tiếp tục triển khai tích cực với trọng tâm xây dựng hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số và số hóa dữ liệu; số hóa các lĩnh vực phục vụ quản trị, điều hành và quản lý khai thác cảng hàng không nhằm hướng tới sân bay thông minh; chuyển đổi và hệ thống hóa dữ liệu từ dạng văn bản, giấy tờ sang định dạng hệ thống dữ liệu lưu trữ điện tử; xây dựng quy trình kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin và an toàn thông tin… 

 

Trong số 22 cảng hàng không tại Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao quản lý, khai thác 21 cảng hàng không. Riêng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo phương thức đối tác công tư với loại hợp đồng BOT do nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sungroup) thực hiện.