Mục tiêu doanh nghiệp công nghệ số đóng góp vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6- 6,5%/năm
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành đi đầu trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Thu hút đầu tư từ nước ngoài vào công nghiệp công nghệ số đạt 25 tỷ USD...
Chỉ thị về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024- 2025 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho các lĩnh vực của ngành trong đó có công nghiệp công nghệ thông tin ICT với 10 nhiệm vụ lớn trọng tâm.
DOANH THU CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, ĐIỆN TỬ- VIỄN THÔNG SẼ ĐẠT 185 TỶ USD NĂM 2025
Theo định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024- 2025, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đặt chỉ tiêu năm 2023, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử- viễn thông đạt 165 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 175 tỷ USD trong năm 2024 và đạt 185 tỷ USD vào năm 2025.
Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6- 6,5% mỗi năm. Xuất khẩu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 137 tỷ USD trong năm 2023, tăng lên 148 tỷ USD năm 2024 và đạt mức 160 tỷ USD vào năm 2025.
Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34,336 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021.
Như vậy, trong suốt 5 năm qua, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao từ mức gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD vào năm 2020 và 136,15 tỷ USD vào năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD).
Số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021 và đạt kế hoạch của Bộ đề ra năm 2022. Trong đó, theo thống kê có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Thống kê cho thấy, tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của 1 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD.
Các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Năm 2022, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sản xuất sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam, tiêu biểu như: Samsung, Qualcomm, Panasonic, Intel…
Đến năm 2025, theo chỉ thị này, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của công nghiệp công nghệ số gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có 80.000 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập và hoạt động. Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước đáp ứng trên 50% nhu cầu của các cơ quan nhà nước. Cùng với đó phát triển 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt Việt Nam sẽ vào nhóm 5 nước trên thế giới về doanh thu dịch vụ phần mềm, sản xuất và phát hành game di động. Cả nước sẽ có tối thiểu 8 địa phương có doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt trên 1 tỷ USD. Thu hút đầu tư từ nước ngoài vào công nghiệp công nghệ số đạt 25 tỷ USD.
CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ LÀ CHỦ LỰC, THÚC ĐẨY HÌNH THÀNH QUỐC GIA SỐ
Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt nam là ngành công nghiệp chủ lực, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành quốc gia số.
Chỉ thị của Bộ cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in VietNam. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển trong nước và vươn ra chinh phục thế giới, đặc biệt phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành.
Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển lĩnh vực; phát truển công nghiệp công nghệ số, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, chất lượng và thương hiệu sản phẩm là nền tảng, nhân lực tài năng số là then chốt; quản lý để nâng cao chất lượng và thương hiệu công nghệ số Make in VietNam.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định điểm nhấn trọng tâm trong năm 2023 sẽ xây dựng Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng đề án Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.
Trong tháng 6/2023, sẽ hoàn thiện cơ bản cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Tháng 12/2023 hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, AI tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Đặc biệt sẽ xây dựng đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm công nghệ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Bộ sẽ có các hoạt động để hỗ trợ các sản phẩm Make in VietNam thông qua các chương trình quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu. Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư R&D trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi, các BigTech lớn như Samsung, LG; tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Tiếp theo trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, trong tâm là các công nghệ số mới như: AI, IoT, BigData, điện toán đám mây, 5G và các thế hệ tiếp theo…
Xây dựng và phát triển các chương trình, đề án phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số như 5G, tập trung cho công nghiệp, IoT phủ sóng chuyên sâu trong các đô thị, công nghiệp, cảng, nhà máy…
Để đạt được các chỉ tiêu đặt ra cho lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành trong năm 2023. Theo đó, trong tháng 6/2023, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chủ trì phối hợp với các đơn vị phải hoàn thiện cơ bản cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Tháng 12/2023 sẽ hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, AI tại một số tỉnh.
Cũng trong tháng 12 sẽ hoàn thành nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thiết bị mạng 5G; xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế của các nước về công nghiệp công nghệ thông tin…