13:55 12/12/2024

Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh

Tuệ Mỹ

Không kết hôn, không sinh con cũng không gặp gỡ, tìm người yêu… trong khi công việc thì căng thẳng và tình hình tài chính khó khăn, “chủng tộc đơn độc" là cụm từ truyền thông đang dùng để nói về giới trẻ châu Á… 

Ảnh: Daangn
Ảnh: Daangn

“Chữa lành” được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh của từ “Healing”, mô tả trào lưu tìm kiếm sự hồi phục, hàn gắn tâm hồn, cảm xúc, thể chất của con người. Chữa lành đang được hưởng ứng rầm rộ ở khắp nơi khi thế hệ những cư dân thành phố cho rằng họ phải sống với áp lực quá lớn. Đặc biệt tại châu Á, để cân bằng cuộc sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, nhịp độ nhanh, ngày càng nhiều thanh niên hướng tới những phương pháp xoa dịu tâm hồn bắt nguồn từ sở thích hay niềm tin cá nhân, hơn là khoa học.

NHẬT BẢN: LÀM MÔ HÌNH MÓN ĂN

Sự phát triển của mô hình món ăn đã trở thành ngành công nghiệp trị giá tỷ đô tại đất nước mặt trời mọc. Mỳ, cơm chiên trứng, rau xào… không ít người qua đường lầm tưởng đây là những món ăn được những nhà hàng nấu sẵn để trưng bày trong tủ kính. Thực tế, chúng là các mô hình được làm thủ công từ nhựa tổng hợp hoặc sillicon như một hình thức minh họa thực đơn cho khách hàng.

Thời gian gần đây, giới trẻ Nhật và du khách khi đến Food Sample Making Cafe ở Asakusa, một khu phố du lịch nổi tiếng ở Tokyo, có thể tham gia các lớp học làm mô hình đồ ăn. Hồi tháng 9, quán cà phê này đã tổ chức một sự kiện dạy làm mô hình món mì spaghetti sốt thịt. Những người tham gia tận tụy làm công việc sắp xếp những sợi mì dài, mềm như mì thật, trên đĩa của họ và chất đống thịt xay, được nhuộm bằng một chất tạo màu đặc biệt, lên trên. "Tôi sẽ trưng bày món này trên bàn làm việc", một bạn trẻ nói, tự hào khoe thành quả của mình.

Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 1
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 2
 
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 3
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 4
 

Quán cà phê cung cấp khóa học làm mẫu mì spaghetti hoặc trứng ốp la kiểu Nhật với giá 5.600 Yên (37 USD), bao gồm cơ hội thưởng thức món ăn thật. Nhà sáng lập Shun Takeya của Food Sample Making Cafe cho biết hiện tại Nhật có nhiều quán cà phê hay nhà hàng mở lớp dạy toàn bộ quy trình từ cân đo vật liệu, tạo chất tạo màu và tạo hình món ăn. Người tham gia có thể chụp ảnh tác phẩm của mình, đặt cạnh các món ăn thật để so sánh và thưởng thức món ăn sau. "Toàn bộ quá trình như một hình thức thiền và giải phóng tâm trí", anh cho biết.

Trong hai tháng đầu tiên kể từ khi chương trình ra mắt, khoảng 450 người, chủ yếu Gen Z, đã tham gia hoạt động này. Các đơn đặt chỗ cho năm sau đã bắt đầu được gửi đến. Food Sample Making Café hiện chấp nhận đặt chỗ trên trang web tiếng Anh, và có kế hoạch dạy thêm cách làm mô hình món ăn từ các nền ẩm thực khác như bánh crepe và parfait.

Theo Nikkei Asia, tỉnh Gifu ở miền trung Nhật Bản được cho là nơi khai sinh ra các mô hình món ăn. Tuyến đường sắt Nagaragawa ở tỉnh này vận hành các chuyến tàu đặc biệt trong đó các bản mô hình món ăn được trưng bày ở khung cửa sổ, bắt đầu vào tháng 8/2023 và được hưởng ứng đến nỗi họ quyết định tiếp tục chương trình cho đến mùa hè năm 2025. Công ty cũng định kỳ tổ chức sự kiện làm mô hình món ăn tại các nhà ga chính, nơi rất đông giới trẻ đã xếp hàng dài mỗi ngày để đến lượt mình có thể sắp xếp hộp cơm bento bằng các loại thực phẩm mô phỏng yêu thích như xúc xích và trứng chiên...

Mô hình củ cải được trưng bày tại cửa sổ toa tàu trên tuyến đường sắt Nagaragawa.
Mô hình củ cải được trưng bày tại cửa sổ toa tàu trên tuyến đường sắt Nagaragawa.

Giống như những tác phẩm nghệ thuật, các mô hình đồ ăn được làm thủ công có giá không hề rẻ. Một miếng sushi giá khoảng 600.000 đồng, một ly bia giá 1.300.000 đồng và một bữa ăn đầy đủ có giá đắt hơn thế. Các nhà kinh tế học cho biết đây là nền công nghiệp có giá trị khoảng 60 đến 90 triệu USD hàng năm.

HÀN QUỐC: CHĂM SÓC CÂY CẢNH

Năm 2024, nếu tìm kiếm bằng hashtag “cây cảnh” hoặc “người chăm sóc cây cảnh” bằng tiếng Hàn trên Instagram, chúng ta sẽ thấy hàng chục ngàn hình ảnh và video ngắn được những người làm vườn tại nhà chia sẻ. Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc xem việc trồng cây như một phương pháp trị liệu trong xã hội cạnh tranh hiện tại. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Trend Monitor thực hiện, 58% số người được hỏi trong độ tuổi từ 19  -59 trả lời rằng họ bắt đầu trồng cây tại nhà, tăng so với 49% năm 2017.

Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Xúc tiến phát minh Hàn Quốc thực hiện, giá trị của thị trường nông nghiệp trong nhà ở Hàn Quốc đến năm 2026 sẽ tăng lên 1,75 ngàn tỉ won, với tốc độ tăng trưởng 75%. Đặc biệt, theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Daehak Naeil công bố, có tới 56% trong số 900 người ở độ tuổi 20 và 30 trồng cây tại nhà. 

Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc xem việc trồng cây như một phương pháp trị liệu trong xã hội cạnh tranh hiện tại.
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc xem việc trồng cây như một phương pháp trị liệu trong xã hội cạnh tranh hiện tại.

Giáo sư Kwak Keum-joo (Khoa Tâm lý của Đại học Quốc gia Seoul) lý giải: “Giới trẻ Hàn Quốc không ngừng tìm kiếm một phương pháp chữa lành. Cơn sốt trồng cây tại nhà có thể được xem là cuộc tìm kiếm hạnh phúc, sự thích thú và cách để giải tỏa căng thẳng”. Kwak nói thêm rằng việc làm vườn tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần vì có thể giúp người làm vườn “cảm thấy ổn định, hạnh phúc và thành tựu”.

Trong bối cảnh bùng nổ việc làm vườn tại nhà, một số chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã giới thiệu các dịch vụ dành riêng cho người trồng cây tại nhà cũng như các lớp học làm vườn. Một trong những dịch vụ như vậy bao gồm các phòng khám thực vật do chính quyền Seoul điều hành, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn miễn phí với các chuyên gia thực vật. Ngoài ea, chính quyền Seoul cũng giới thiệu “Lớp học làm vườn sau giờ làm việc”, diễn ra vào thứ Năm hằng tuần với mức phí 10.000 won/người.

Trên thị trường còn có các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho những người đam mê trồng cây. “Groo” là một ứng dụng phổ biến đối với những người làm vườn với AI đưa ra chẩn đoán cho những cây bị bệnh sau khi chụp ảnh và tải lên ứng dụng, đồng thời cung cấp các mẹo về cách trồng và chăm sóc cây.

Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 5

TRUNG QUỐC: “NUÔI” ĐÁ CẢNH

Dù chỉ là những hòn đá vô tri nhưng lại được coi như “vật nuôi” của nhiều người trẻ Trung Quốc. Đó là "pet rock", hay đá thú cưng. Lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Minions: The Rise of Gru với nhân vật Otto đặc biệt yêu thích pet rock, những người tiêu dùng trẻ ở đất nước tỷ dân nhanh chóng đón nhận “vật nuôi” độc đáo này. Họ bắt đầu mua sắm những phiên bản đá thú cưng trang trí mắt nhựa, theo Sixth Tone.

Năm nay, pet rock tăng vọt về mức độ phổ biến trên sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Taobao. Doanh số đến từ sản phẩm này trong tháng 8 tăng 246% so với tháng trước. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, phần lớn người mua là phụ nữ, sinh sau năm 1995. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, các bài đăng về đá thú cưng thu hút gần 3,1 triệu lượt xem.

Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 6
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 7
 
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 8
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 9
 
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 10
Muôn cách “chữa lành” của giới trẻ châu Á thành cơ hội kinh doanh - Ảnh 11
 

Đá thú cưng thường có giá 20 NDT (khoảng 3 USD), chỉ là những viên sỏi thông thường. Tuy nhiên, một số người chơi chăm sóc chúng như chó, mèo, tắm cho đá bằng tinh dầu, thoa kem dưỡng ẩm, đảm bảo mức độ sáng bóng. Một số thậm chí còn thực hiện video hướng dẫn chăm sóc đá thú cưng. Một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh pet rock báo cáo doanh thu đạt 20.000 Nhân dân tệ vào tháng 9. Một số mặt hàng phổ biến bán được hơn 1.000 sản phẩm.

Ngoài ra, thị trường còn có nhiều sản phẩm phái sinh từ "đá thú cưng" như kem dưỡng, quần áo, túi xách, bộ đồ du lịch... Zhang Zhe, phó giáo sư tiếp thị tại Trường Quản lý thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), lý giải rằng xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung vào cảm xúc và tính cá nhân. Gen Z thì thường bị thu hút bởi những món đồ chơi có giá cả phải chăng, theo chủ đề nhân vật. Sự thịnh hành của Labubu hay gần đây là Baby Three cũng nhằm phục vụ sở thích này của nhóm khách hàng trẻ.