10:06 23/04/2019

Mỹ chấm dứt miễn trừ về trừng phạt Iran, giá dầu tăng vọt

Diệp Vũ

Mỹ tuyên bố tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ đang mua dầu Iran sẽ phải chấm dứt hoạt động này trước ngày 1/5

Mỹ đang tìm cách cắt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran - Ảnh: Reuters.
Mỹ đang tìm cách cắt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Mỹ ngày 22/4 tuyên bố tất cả những quốc gia và vùng lãnh thổ đang mua dầu Iran sẽ phải chấm dứt hoạt động này trước ngày 1/5 nếu không sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Động thái trên của Washington được dự báo sẽ chặn nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran, đồng thời đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất 6 tháng do lo ngại nguồn cung thắt chặt.

Hãng tin Reuters cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump nói sẽ không gia hạn sự miễn trừ cho phép một số quốc gia và vùng lãnh thổ được tiếp tục mua dầu Iran.

Quyết định công bố ngày thứ Hai của Mỹ mạnh tay hơn dự báo và được cho là sẽ gây ra thách thức cho một số khách hàng mua dầu chủ chốt của Iran ở khu vực châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đã vận động hành lang mạnh trong thời gian qua để được tiếp tục mua dầu Iran mà không bị Mỹ trừng phạt.

Tháng 5 năm ngoái, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với 6 cường quốc. Tháng 11, Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran, nhưng cho phép 8 nền kinh tế, chủ yếu ở khu vực châu Á, được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng.

Sự miễn trừ này được kỳ vọng gia hạn, nhưng cuối cùng Mỹ đã không gia hạn miễn trừ.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 2,07 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, đạt 74,04 USD/thùng, mức giá chốt cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 1,7 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, chốt ở 65,7 USD/thùng. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI từ cuối tháng 10 năm ngoái.

Về phần mình, Iran vẫn tỏ ra cứng rắn trước sự trừng phạt của Mỹ, nói rằng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc Washington chấm dứt sự miễn trừ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thì nhắc lại lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, một kênh vận chuyển dầu chủ yếu ở vùng Vịnh - truyền thông Iran đưa tin.

Nhà Trắng nói sẽ hợp tác với các nước xuất khẩu dầu lửa chủ chốt ở Trung Đông là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để đảm bảo "thị trường được cung cấp đủ dầu".

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng với nguồn cung đã bị thắt lại trên thị trường dầu lửa toàn cầu hiện nay, cộng thêm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela, thì động thái đối với Iran có thể dẫn tới một đợt tăng mạnh của giá "vàng đen".

Trong một cuộc họp báo ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết xuất khẩu dầu của Iran đã giảm về mức khoảng 1 triệu thùng/ngày từ mức hơn 2,5 triệu thùng/ngày trước khi lệnh trừng phạt được tái áp. Ông Pompeo cũng nói mục tiêu của Mỹ là đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0, khiến nước này mất đi nguồn thu xuất khẩu dầu 50 tỷ USD mỗi năm.

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ nói mục đích của hành động này là khiến Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như sự dính líu của Iran vào các cuộc xung đột ở Syria và Yemen.

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế được tiếp tục mua dầu Iran thời gian qua bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Từ đầu năm đến nay, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga đã giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Dù sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục lập kỷ lục, giá dầu thế giới đã tăng trên 30% từ đầu năm do nguồn cung toàn cầu bị thắt lại.

Trong một cuộc họp báo hàng ngày vào ngày thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói Bắc Kinh phản đối hành động đơn phương của Mỹ chống lại Iran, và hợp tác song phương giữa Trung Quốc với Iran là hợp pháp.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nói Chính phủ Hàn Quốc đang đàm phán với Mỹ để được gia hạn miễn trừ.