16:56 23/05/2022

Năm 2022 dự chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế trên 120.000 tỷ đồng

Ánh Tuyết

Tỷ trọng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế - dân số tăng dần qua các năm, tính riêng năm 2022, tổng chi thường xuyên lên tới 120.112 tỷ đồng. Công tác chi đầu tư phát triển cũng được chú trọng...

Tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế - dân số năm 2021 cao nhất trong nhiều năm, đạt 9,6% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế - dân số năm 2021 cao nhất trong nhiều năm, đạt 9,6% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 3961/BTC-HCSN phản hồi đề nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư cho ngành y tế như đào tạo đội ngũ y tế, mua thuốc men, trang thiết bị y tế...

Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thống kê trong giai đoạn 2016-2020, căn cứ số liệu báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế, dân số và gia đình giai đoạn 2016-2020 khoảng 310.557 tỷ đồng, bằng khoảng 7% tổng chi thường xuyên.

Số chi thường xuyên cho lĩnh vực này có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 là 50.191 tỷ đồng, bằng khoảng 6,1%; năm 2017 là 50.165 tỷ đồng, bằng khoảng 5,69%; năm 2018 là 69.259 tỷ đồng, bằng 7,43%; năm 2019 là 69.218 tỷ đồng; bằng 6,95% và năm 2020 là 71.724 tỷ đồng, bằng 7,08%.

 

“Trong điều kiện đó vẫn ưu tiên bố trí chi thường xuyên sự nghiệp y tế của ngân sách trung ương là 20.611 tỷ đồng cùng với nguồn dự toán chi trong cân đối ngân sách địa phương. Tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế - dân số năm 2021 đạt 9,6% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước, bằng dự toán năm 2020”, Bộ Tài chính cho hay.

Trong năm 2021, dự toán chi ngân sách nhà nước sau khi đã ưu tiên bố trí tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp công, bảo đảm các chế độ, chính sách cho người dân (bao gồm các chính sách an sinh xã hội), các nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng... thì tổng chi ngân sách nhà nước là 1,687 triệu tỷ đồng, giảm 60,1 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 3,4% so dự toán năm 2020. 

Đáng chú ý, năm 2022, Chính phủ có Báo cáo số 47/BC-CP ngày 15/10/2021 trình Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2022.

Theo đó, Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế là 120.112 tỷ đồng, tính riêng chi ngân sách trung ương là 28.560 tỷ đồng, tăng so với các năm trước đây do tăng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Như vậy, hiện nay Nhà nước đã ưu tiên ngân sách, kết hợp với các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài chính khác để đầu tư cho ngành y tế, đảm bảo công tác chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe của nhân dân”, Bộ Tài chính khẳng định. 

Theo Bộ Tài chính, cùng với công tác chi thường xuyên, công tác chi đầu tư phát triển đối với lĩnh vực y tế cũng được chú trọng.

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, ngành y tế, dân số và gia đình được phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 24.135 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương là 10.945 tỷ đồng và các địa phương là 13.189 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 61 của Luật Đầu tư công, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước theo tổng mức vốn và cơ cấu vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời gian qua, hàng loạt chủ trương đầu tư cho ngành y tế được ưu tiên triển khai. 

Cụ thể, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó Chương III quy định tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Ngày 23/2 vừa qua, Bộ Tài chính cũng có công văn số 1754/BTC-HCSN góp ý Bộ Y tế về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP. Trong đó, đề nghị Bộ Y tế rà soát dự thảo Nghị định để đảm bảo các chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện khó khăn.