Năm 2025, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 203 nghìn tỷ đồng, tập trung vào nhóm bất động sản
Nhóm bất động sản sẽ là nhóm có giá trị đáo hạn lớn nhất năm 2025 với tổng giá trị đáo hạn là hơn 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025...
![](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/13/screen-shot-2025-02-13-at-15-44-43.png)
VnDirect vừa đưa ra triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 trong đó nhấn mạnh áp lực trái phiếu đáo hạn năm 2025 còn lớn đặc biệt là của nhóm bất động sản.
203 NGHÌN TỶ TRÁI PHIẾU ĐÁO HẠN NĂM 2025
Theo ước tính của VnDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2025 là khoảng 203 nghìn tỷ đồng tăng 8,5% so với cùng kỳ. Số liệu đã loại trừ các trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn và các trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kỳ hạn theo công bố đến hết ngày 24/01/2025).
Trong đó có hơn 62 nghìn tỷ đồng là giá trị các trái phiếu đã được gia hạn thêm kỳ hạn sẽ đến hạn, chiếm 30,6% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2025. Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2025 sẽ rơi vào 2 quý cuối năm khi tổng giá trị đáo hạn của 2 quý này chiếm hơn 65% tổng giá trị đáo hạn năm 2025.
Nhóm bất động sản sẽ là nhóm có giá trị đáo hạn lớn nhất năm 2025 với tổng giá trị đáo hạn là hơn 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025. 43,4% trong số này tương đương 56 nghìn tỷ đồng là giá trị các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã gia hạn kỳ hạn sẽ đến hạn. Đứng thứ hai là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tổng giá trị đáo hạn là hơn 33 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng giá trị đáo hạn năm 2025.
Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn của nhóm Bất động sản tăng mạnh với mức tăng 113%. Trong bối cảnh thị trường Bất động sản vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn. Do đó, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2025.
Nhóm Ngân hàng có thể vẫn tích cực phát hành, giúp thị trường tiếp tục phục hồi trong năm 2025. Để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao là 16%. Có thể thấy với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng lên.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài như đã thực hiện trong năm 2024 không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng vốn huy động mà còn giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ nguồn vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của NHNN.
Vì vậy trong năm 2025 nhóm Ngân hàng được kỳ vọng sẽ vẫn tích cực phát hành để gia tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn qua đó giúp hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi trong năm 2025.
CÒN NHIỀU THÁCH THỨC ĐỂ THỊ TRƯỜNG BỨT PHÁ
Sau những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường của các cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chứng kiến sự phục hồi dần trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều thách thức để thị trường có thể bứt phá trong năm 2025, theo VnDirect.
Thách thức đầu tiên có thể thấy đó là niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vẫn còn yếu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, tuy nhiên rủi ro trễ hạn thanh toán vẫn còn đáng kể đặc biệt là ở nhóm bất động sản. Vì vậy sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Thứ hai, việc tiếp tục thắt chặt hơn các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân có thể sẽ làm hạn chế lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành trong thời gian tới.
Cụ thể, theo những quy định mới trong luật chứng khoán sửa đổi (Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi) yêu cầu Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng đối với TPDNRL thuộc một trong hai trường hợp sau đây: Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm đối với trái phiếu đó; Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng đối với trái phiếu đó.
Trong khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP chỉ quy định trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thì Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm khi:
Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
b) Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong
các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Như vậy so với quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tiếp tục có sự thắt chặt hơn đó là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm và bắt buộc phải có tài sản đảm bảo cho trái phiếu hoặc trái phiếu phải được bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.