15:42 11/11/2021

Năm tới, dự kiến bội chi ngân sách 4% GDP

Ánh Tuyết

Năm 2022 so với 2021, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4%; tổng chi 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5%...

Dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến trên 1,4 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP.
Dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến trên 1,4 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP.

Bộ Tài chính vừa công bố bản “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trình Quốc hội”, cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021 và dự kiến dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

NGƯỜI DÂN GIÁM SÁT SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính xuất bản báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015. 

 
"Việc công khai báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân hàng năm là một trong những hình thức quan trọng góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế".
Bộ Tài chính.

Báo cáo giúp người dân bình thường, ngay cả những người nắm ít kiến thức về tài chính - ngân sách đều có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về ngân sách nhà nước. 

Thông qua đó, người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và có thể đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đến Quốc hội thông qua các đại biểu Quốc hội. 

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 16,1%GDP; thuế, phí đạt 13,2%GDP.

Ước chi ngân sách nhà nước 1.709,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so dự toán.

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021. Nguồn: Bộ Tài chính.
Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021. Nguồn: Bộ Tài chính.

Đề cập đến chính sách tài khóa ứng phó với dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân thời gian qua, Bộ Tài chính cho hay, dự kiến tổng mức hỗ trợ về thuế, phí, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khoảng 140 nghìn tỷ đồng. 

Đến ngày 15/10, số tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất và thuê đất được miễn
giảm, gia hạn 95,1 nghìn tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ khoảng 120 nghìn doanh nghiệp, gần 20 nghìn hộ, cá nhân.

Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đến ngày 15/10/2021.
Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đến ngày 15/10/2021.

Bên cạnh đó, dự kiến tổng nguồn lực của trung ương và địa phương bố trí cho hai nhiệm vụ là hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, mua vaccine và thuốc điều trị Covid-19 khoảng 127 nghìn tỷ đồng.

BỐN CĂN CỨ XÂY DỰNG DỰ TOÁN NĂM 2022

Trong năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp, nguy hiểm hơn, vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. 

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các dịch bệnh khác cũng là những rủi ro ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính nhận định: “Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút”. Việc bao phủ vaccine, kiểm soát hiệu quả được dịch bệnh quả là điều kiện quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Cơ cấu tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022.
Cơ cấu tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ Tài chính chỉ rõ 4 căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, bao gồm: (i) tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%, (ii) tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, (iii) tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%, (iv) giá dầu thô 60 USD/thùng.

Ở chiều ngược lại, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021.

Dự kiến dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022.
Dự kiến dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ 4 nguyên tắc bố trí chi ngân sách nhà nước, đó là (i) tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn; (ii) chi thường xuyên bố trí theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, triệt để tiết kiệm gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp công.

Ưu tiên cho các nhiệm vụ cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, đối tượng có lương hưu thấp. Cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách để tập trung tối đa nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; (iii) bố trí chi các Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng giải ngân và cân đối ngân sách nhà nước; (iv)bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Trên cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách nhà nước là 372,9 nghìn tỷ đồng, khoảng 4% GDP.

Dự kiến nợ công đến cuối năm 2022 khoảng 43-44% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bằng khoảng 21-22% tổng thu ngân sách nhà nước. 

Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Bộ Tài chính cho hay, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền đi đôi với yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch.

 
"Triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế đối phó với dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế", Bộ Tài chính khẳng định.

Đồng thời, tăng cường quản lý, điều hành tài chính, ngân sách gắn với các ưu tiên của nền kinh tế; phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đầu tư, các chính sách khác.

“Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, tăng cường công khai, minh bạch”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...