Nền kinh tế độc thân sẽ thay đổi thị trường tiêu dùng Đông Nam Á?
Trước đại dịch, nền kinh tế độc thân đã bắt đầu bùng nổ, các doanh nghiệp ngày càng tìm ra nhiều cách thức sáng tạo để thỏa mãn một nhu cầu lâu dài của con người, nhu cầu một mình nhưng không cô đơn...
Trong tương lai, tất cả các quốc gia sẽ chứng kiến một “xã hội siêu độc thân” - đại diện bởi những người trẻ tuổi không bao giờ kết hôn và những người già một lần nữa độc thân sau khi góa vợ, góa chồng, Kazuhisa Arakawa, nhà nghiên cứu tại Hakuhodo, một trong những công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, nói với CNBC.
Ông Arakawa đã xuất bản một cuốn sách kinh tế học về “xã hội siêu độc thân”, ước tính rằng 50% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ sống trong các hộ gia đình một người vào năm 2040. “Sẽ không còn thực tế nếu các công ty chỉ chú tâm đến những hộ gia đình nhiều thành viên… Tôi tin rằng thị trường sẽ không phát triển nếu không nắm bắt được những khách hàng đơn lẻ”, ông nói.
Các cửa hàng tiện lợi chính là điểm sáng nhất trong ngành kinh tế độc thân đang lên tại châu Á. Các cửa hàng tiện lợi chuyên bán đồ ăn và thức uống take-away (mang đi) theo khẩu phần dành cho một người. Đây là lựa chọn hiển nhiên của những người tiêu dùng độc thân. Paul Chang, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, giải thích rằng xã hội châu Á nói chung đang dần xóa bỏ tâm lý sống theo đám đông và hướng tới mục tiêu hạnh phúc của cá nhân. Điều này đã tạo ra tăng trưởng kinh tế từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Vị phó giáo sư nhận định: “Tỉ lệ hộ gia đình một người lớn đến mức nó đã trở thành một phần quan trọng của thị trường”.
Tương tự tại Đông Nam Á, Bain & Company nhận định, các doanh nghiệp ở nên thu hút thế hệ Z và các hộ gia đình độc thân vì họ là nhóm người tiêu dùng quan trọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng. Báo cáo cho thấy Gen Z hoặc những người sinh từ năm 1997 đến 2012 chiếm 23% dân số khu vực. Bain cho biết, họ cũng rất tham gia vào cộng đồng kỹ thuật số, đồng thời cho biết thêm rằng họ nhắn tin cho các doanh nghiệp khoảng 8 lần một tháng và 82% trong số họ nói rằng họ là một phần của cộng đồng trực tuyến.
Theo báo cáo kết hợp giữa Meta Platforms, Bain & Company và DSG Consumer Partners, khi các thị trường đạt đến điểm bão hòa, phân khúc hộ gia đình độc thân (hộ gia đình chỉ một người) đang nổi lên như động lực tiêu dùng chính. Trong khi các hộ gia đình độc thân chỉ chiếm 12% tổng số hộ gia đình trong khu vực Đông Nam Á, phân khúc này dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 2,4% trong giai đoạn 2023 - 2030.
Số hộ gia đình gồm hai hoặc ba thành viên, đang chiếm 38% tổng số gia đình trong khu vực, dự kiến tăng trưởng 1,2%, trong khi số hộ gia đình có từ 4 người trở lên (chiếm 50%) dự kiến sẽ tăng ở mức 0,6% trong cùng giai đoạn. Đặc biệt, Thái Lan, Singapore và Philippines dự báo tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng thêm 20% vào năm 2030.
Theo báo cáo, có 3 yếu tố nhân khẩu học chính thúc đẩy sự phát triển của các hộ gia đình độc thân trong khu vực: những người độc thân lớn tuổi như phụ nữ đã ly hôn hoặc góa bụa, những chuyên gia trẻ đầy tham vọng trì hoãn kết hôn để tập trung vào sự nghiệp, và những người di cư trẻ ở thành thị, chủ yếu là nam giới làm các công việc chân tay hoặc dịch vụ.
Báo cáo nhận định sự trỗi dậy của nền kinh tế của những người độc thân đang thúc đẩy các xu hướng như số lượng thú cưng tăng lên, sự xuất hiện của các sản phẩm và bữa ăn đóng gói phục vụ một người, cũng như sự gia tăng các hoạt động giải trí như phòng hát karaoke một mình.
Báo cáo kết luận rằng, để thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp cần quan tâm đến người tiêu dùng, phát triển mô hình kinh doanh và sự gắn kết với người tiêu dùng, đồng thời áp dụng tư duy đột phá và đổi mới.
Trước đó, Công ty nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) cũng đã thực hiện khảo sát trên 2.500 người tiêu dùng thuộc nhóm GenZ (sinh từ 1997 đến 2012) và millennial (sinh từ 1981 đến 1996) trong độ tuổi từ 18-40 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, người tiêu dùng trẻ tuổi tại Đông Nam Á không có nhu cầu hẹn hò hoặc kết hôn, thay vào đó họ chủ yếu sử dụng điện thoại di động để giải trí. 80% người được hỏi cho biết họ mua điện thoại để xem video và 60% nói cho biết họ chơi game trên điện thoại. Hơn một nửa những người tham gia khảo sát chia sẻ họ mua sắm trực tuyến vài lần trong một tuần.
Nói chung, GenZ dành nhiều thời gian cho điện thoại hơn thế hệ millennial. Một ví dụ là nhóm GenZ tham gia khảo sát cho biết họ dành trung bình 10 tiếng trong một tuần lướt mạng xã hội, trong khi thế hệ millennial lại dành khoảng 7,7 tiếng. Giám đốc của YouGov, bà Jenny Armshaw-Heak nhận định dịch Covid-19 đã đẩy mạnh việc sử dụng điện thoại di động để giải trí. Điều này nâng cao kỳ vọng của người tiêu dùng đối với hiệu suất kỹ thuật của điện thoại.
Nhà phân tích Sheng Win Chow tại Canalys nhận định: “2024 dự kiến đem lại một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong tương lai, Đông Nam Á tiếp tục là thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh, các nhà bán lẻ và công ty thực phẩm nhờ tầng lớp trung lưu và dân số trẻ ngày càng mở rộng, đi cùng với đó là xu hướng hưởng thụ cuộc sống một mình”.
Trong khi đó, báo cáo của Bain & Company cho biết khoảng 4 trong số 10 người được hỏi (tương đương 40%) ở Singapore, Malaysia và Thái Lan cho biết họ đã giảm chi tiêu trong năm 2023 so với năm 2022. Tỷ lệ này tăng từ mức 32% trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái. Tại Indonesia, Philippines và Việt Nam, 38% số người được hỏi cho biết chi tiêu ít hơn trong 2023 so với năm 2022, tăng nhẹ so với mức 36% trả lời như vậy hồi năm ngoái.
Những người tham gia cuộc khảo sát dẫn ra mối lo ngại về bất ổn kinh tế (63%) và chi phí sinh hoạt cao hơn (58%) như là những lý do hàng đầu khiến họ chi tiêu dè sẻn. Báo cáo lưu ý, người tiêu dùng Đông Nam Á giảm chi tiêu mạnh nhất đối với bia rượu, đồ điện tử và kỳ nghỉ. Trong khi đó, sức mua của họ đối với thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe vẫn ổn định.
Các xu hướng đáng chú ý khác mà báo cáo chỉ ra bao gồm cách người tiêu dùng trong khu vực xem xét lại những thứ họ xem là “nhu cầu” (cần mua và sử dụng) hoặc “mong muốn” (có thể mua hoặc không). Đối với họ, mạng xã hội được coi là hạng mục thiết yếu hàng đầu, trong khi phát sóng trực tuyến được liệt vào hạng mục thiết yếu đang gia tăng. Những thứ được xem là “mong muốn” trước đây như đi ăn ngoài mỗi tuần, đi du lịch trong nước hàng năm, mua những đồ dùng công nghệ mới nhất hoặc quần áo hàng hiệu… thì giờ đây lại được coi là “nhu cầu mới”.