09:27 04/03/2008

“Nên xuất khẩu mặt hàng chuyên”

Hồng Thoan

Ông Nguyễn Minh Gòn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cung cấp một số lời khuyên dành cho các nhà xuất khẩu sang thị trường này

"Chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều xuất khẩu hàng hoá tổng hợp vào thị trường Đức, không đi chuyên sâu vào từng mặt hàng, do vậy tên tuổi của chúng ta không có".
"Chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều xuất khẩu hàng hoá tổng hợp vào thị trường Đức, không đi chuyên sâu vào từng mặt hàng, do vậy tên tuổi của chúng ta không có".
Ông Nguyễn Minh Gòn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cung cấp một số lời khuyên dành cho các nhà xuất khẩu sang thị trường này.

Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Đức trong năm 2007?

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Đức trong năm 2007 theo số liệu thống kê của Hải quan Đức là 2,5 tỷ USD, nhưng theo số liệu của Hải quan Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,8 tỷ USD, số liệu có sự chênh lệch như vậy bởi lẽ tất cả những hàng hoá của Việt Nam đi qua nước thứ 3 vào Đức nhưng mang nhãn mác của Việt Nam đều được tính là hàng Việt Nam.

Chúng ta hiện có hơn 230 mặt hàng và nhóm hàng xuất khẩu vào Đức. Ngoài những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, cà phê thì những mặt hàng như mắm tôm, nắp cống hay hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng đã xuất khẩu được nhiều vào thị trường Đức.

Ông nhận định như thế nào về khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Đức trong năm 2008 và những năm tiếp theo?

Sức tiêu thụ hàng tiêu dùng của Đức hàng năm là 550 tỷ USD. Trong khi đó, hàng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,2% nhu cầu nhập khẩu của thị trường Đức. Như vậy, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Đức còn rất lớn. Bên cạnh đó, hầu như tất cả những mặt hàng nước Đức đều có nhu cầu nhập khẩu.

Bởi lẽ hàng hoá nhập khẩu không chỉ phục vụ cho thị trường Đức mà còn tiếp tục được xuất khẩu sang các nước châu Âu vì Đức là bạn hàng rất có uy tín, quan trọng đối với 27 nước thành viên của EU và các nước châu Âu khác.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng các đối tác Đức rất khó tính. Nhưng qua thực tế công tác tại thị trường Đức, chúng tôi thấy rằng ban đầu thì họ khó tính thật bởi họ có những nguyên tắc làm ăn rất nghiêm khắc nhưng khi đã quen rồi thì việc làm ăn rất dễ dàng, không có gì khó khăn.

Ông có lưu ý gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ làm ăn với Đức?

Chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều xuất khẩu hàng hoá tổng hợp vào thị trường Đức, không đi chuyên sâu vào từng mặt hàng, do vậy tên tuổi của chúng ta không có, đăng ký thương hiệu cũng không biết đăng ký cái gì. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp phải có chiến lược chuyên sâu mặt hàng, có chiến lược đào tạo những cán bộ chuyên sâu về nghiệp vụ và chuyên sâu về ngoại ngữ.

Chúng ta là thành viên thứ 150 của WTO, nhưng chúng ta nên nhớ rằng có 149 nước khác gia nhập WTO trước nên quan hệ về thị trường, về bạn hàng đã có sự phân chia. Chúng ta vào sau nên chúng ta phải có chất lượng hàng hoá ít nhất cũng ngang bằng với những nước khác cùng xuất khẩu vào Đức nhưng giá cả phải mềm mỏng hơn để có thể cạnh tranh được.

Doanh nghiệp có tính chuyên sâu thì mới có thương hiệu, có tính chuyên sâu thì mới đảm bảo nguồn hàng ổn định và trở thành bạn hàng lớn, để họ thấy vai trò của mình là quan trọng, không có mình họ cảm thấy mất mát. Thực tế hàng của Việt Nam xuất khẩu khẩu vào Đức là hàng may mặc, giày dép nhưng 80% là hàng gia công không có thương hiệu.

Đứng thứ hai là mặt hàng cà phê, chúng ta cũng xuất khẩu vào Đức rất lớn nhưng chủ yếu là cà phê thô chứ không có cà phê chế biến, mà đã không chế biến thì cũng không có thương hiệu, họ mua cà phê của chúng ta về trộn với cà phê khác để tạo thành cái “gu” riêng của họ. Do vậy, ngoài tính chuyên sâu, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải đi sâu vào chế biến để tăng giá trị của hàng xuất, đồng thời mới tạo tên tuổi, thương hiệu cho sản phẩm nói riêng và cho doanh nghiệp nói chung.

Các Hiệp hội ngành hàng đều có các doanh nghiệp thành viên chuyên sâu mặt hàng, vậy làm sao để nâng cao vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến thương mại của Hiệp hội tại thị trường Đức?

Tôi đề nghị chúng ta tăng cường xúc tiến thương mại của các hiệp hội ngành hàng, nhưng đi xúc tiến thì phải đi chuyên về ngành hàng của mình chứ không đi xúc tiến hàng tổng hợp. Có chuyên thì mới giới thiệu, quảng bá được hàng của mình. Tôi lấy ví dụ như mặt hàng chè của Việt Nam hiện đang tiêu thụ ở Đức rất lớn nhưng mới xuất khẩu trực tiếp được trên 2.000 tấn, còn phần lớn họ nhập khẩu qua các thương gia của Anh.

Khi chúng tôi đề nghị họ nhập trực tiếp thì họ trả lời: “Chúng tôi cũng rất muốn nhập trực tiếp vì như thế sẽ giảm được giá đầu vào, nhưng hiện tại chúng tôi muốn nắm kẻ có tóc chứ không nắm kẻ trọc đầu vì nhập khẩu qua các thương gia của Anh thì khi có vấn đề gì chúng tôi đề nghị họ giải quyết ngay, nếu chúng tôi nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp Việt Nam thì rủi ro vẫn rất lớn, chẳng hạn khi ký hợp đồng xong, giá lên thì doanh nghiệp không giao hàng”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín.