07:10 22/03/2022

Ngậm ngùi “cổ tức giấy”

Các ngân hàng ưa thích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng sức khoẻ tài chính, còn cổ đông nhận mớ "cổ tức giấy" mà đúng lúc giá giảm thì chỉ còn biết cất vào ngăn kéo...

Mùa đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp niêm yết, trong đó có ngân hàng đang tới gần. Giữa những thủ tục công bố con số báo cáo tài chính năm cũ, mục tiêu lợi nhuận năm tới thì điều mà cổ đông quan tâm nhất, có lẽ là cổ tức được chia bao nhiêu, tiền mặt hay... giấy. 

"CỔ TỨC GIẤY" CAO VỜI VỢI

Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để tạo nguồn lực hạ thêm lãi suất cho vay.

Cổ đông ngân hàng không lạ gì vấn đề này, bởi kể từ khi ngành ngân hàng bước vào đại phẫu tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu giai đoạn trước, rất nhiều lần Ngân hàng Nhà nước đã chỉ thị cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém, ngân hàng có nợ xấu lớn không được chia cổ tức. Thay vào đó, ngân hàng dành phần lợi nhuận này để xử lý các tồn tại về tài chính và nâng cao năng lực nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị chuẩn mực. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngân hàng cũng đang rất ưa chuộng phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt.

Bởi lẽ, cách này giúp họ dễ dàng tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn nhờ vậy có thể được cấp mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Và đương nhiên, Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn là lý do thích hợp nhất để các ngân hàng giải thích cho các cổ đông về sự lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Hiện tại, với việc vẫn báo lãi lớn trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mức chia cổ tức của ngành ngân hàng khá cao.

 

Thông tin về việc chia cổ tức ngân hàng đang được cổ đông đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng vẫn ăn nên làm ra trong suốt năm 2021.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng công bố kế hoạch phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Sau phát hành, vốn điều lệ BIDV tăng lên mức 50.585 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 25% (phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022.

Hay như tại MSB, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi cuối tháng 2, Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2022.

Một số ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao còn có OCB từ 20-25%; SHB 15%; VIB 35%...

VÌ SAO CỔ ĐÔNG KHÔNG MẶN MÀ? 

Theo giới chuyên môn, năm nay mặc dù nhiều ngân hàng chia cổ tức với tỷ lệ cao nhưng cổ đông vẫn còn nhiều bâng khuâng… bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, với cổ tức bằng cổ phiếu, khi bán đi, nhà đầu tư cũng phải chịu thêm thuế thu nhập 0,1% bất kể lãi hay lỗ và nhiều khoản phí khác.

Thứ hai, tỷ lệ chia cổ tức của ngân hàng khá lẻ. Trong khi trên sàn chứng khoán, lô giao dịch tối thiểu phải là 100 đơn vị. Như vậy, với nhà đầu tư nhỏ rất khó có thể bán số cổ phiếu lẻ được trả cổ tức.

Do đó, nhiều nhà đầu tư buộc phải chọn phương án mua thêm cổ phiếu trước khi ngân hàng chốt quyền để có thể làm tròn số cổ tức thành bội số của 100. Hoặc cũng có thể chấp nhận bán số cổ phiếu lẻ cho các công ty chứng khoán với mức giá rất thấp (thường là giá sàn trong phiên giao dịch).

Thứ ba, vào các ngày chốt trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá cổ phiếu đã giảm đi tương ứng so với tỷ lệ trả cổ tức. Vậy, về bản chất tài sản của nhà đầu tư không tăng trong khi khối lượng cổ phiếu tăng thêm.

Điều này dẫn đến hai khả năng, nếu sau trả cổ tức cổ phiếu đó tăng, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi lớn. Trái lại, nếu thị trường không thuận lợi, mức lỗ của nhà đầu tư cũng lớn hơn nhiều.

 

Để nhận được cổ tức bằng cổ phiếu thì nhà đầu tư đã bị trừ thẳng vào giá đối với khối lượng cổ phiếu đang sở hữu ở ngày chốt quyền. Rồi khi bán cổ phiếu được trả cổ tức lại trả thêm một lần thuế và phí giao dịch.

Hiểu đơn giản, trước kia cổ đông có 100 cổ tức, nếu thị giá cổ phiếu giảm 5.000 đồng, tương ứng lỗ tổng cộng 500.000 đồng. Nhưng nay, nếu được chia cổ tức 20% thì cổ đông có 120 cổ phiếu, thị giá cũng giảm 5.000 đồng/cổ phiếu thì tổng mức lỗ đã tăng lên 600.000 đồng.

Điều đáng nói, kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay, cổ phiếu nhiều ngân hàng cho thấy sự hụt hơi, chỉ bật tăng nhẹ trong phiên chốt quyền chia cổ tức và lại tiếp tục chuỗi ngày giảm giá.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư là cổ đông các ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức năm 2022 cho biết, họ vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, khi vẫn còn nhận được cổ tức và kỳ vọng vào sự khá lên của thị trường.

Bởi lẽ, không phải kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nào cũng thuận lợi. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.

Ngoài ra, còn có trường hợp vẫn báo lãi lớn, không bị gánh nặng nợ xấu nhưng cũng không chia cổ tức trong nhiều năm. Điển hình là Techcombank, ngân hàng này đã có 10 năm liên tiếp không chia cổ tức.