Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng dự trữ ngoại hối khi thuận lợi
Theo ước tính, dự trữ ngoại hối đã chạm mốc 100 tỷ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu
Đây là một trong số những nội dung nổi bật được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2021.
Nhìn lại năm 2020, ngoại trừ thời điểm trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 5 tỷ giá bật tăng do dịch Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc, nhu cầu rút vốn khỏi các tài sản rủi ro để tìm đến các tài sản an toàn và giá USD tăng mạnh thì hầu như tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại luôn ở mức ngang hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của Sở Giao dịch.
Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để củng cố dự trữ ngoại hối vốn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, giúp củng cố mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Theo ước tính, dự trữ ngoại hối đã tăng 21 tỷ USD trong năm 2020 và chạm mốc 100 tỷ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, cơ quan này đã bất ngờ thay đổi chính sách trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020, từ mua giao ngay USD sang mua giao kỳ hạn 6 tháng có huỷ ngang.
Quay lại với Chỉ thị 01, ngoài nội dung trên, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thống đốc yêu cầu toàn ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Cơ quan quản lý cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.
Thống đốc còn yêu cầu các tổ chức tín dụng tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nâng cao năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán…