Ngân hàng oằn lưng "cõng" cả thị trường trong tháng 7, giao dịch thế nào để có lãi?
Riêng với nhóm Ngân hàng đang chiếm 31% vốn hóa trên HOSE, khả năng nhóm này cũng sẽ tạm thời thể hiện vai trò nâng đỡ thị trường về mặt điểm số..
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 vừa công bố, SSI Research cho rằng, những thách thức với thị trường chứng khoán Việt Nam như xu hướng các Ngân hàng Trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét.
Trong khi đó, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái cũng bắt đầu tạo thêm áp lực lên tỷ giá. Ngay trong tháng 7, một đợt tăng lãi suất mạnh nữa của FED khả năng sẽ diễn ra và được công bố vào rạng sáng ngày 28/7.
Tương quan giữa thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đã lên cao trong thời gian gần đây và nhà đầu tư nên lưu ý diễn biến này trong ngắn hạn. Ngoài ra, xu hướng yếu đi của dòng vốn toàn cầu cũng khiến cho dòng vốn vào Việt Nam khó có thể xuất hiện sự bứt phá, đặc biệt là khi rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới chưa được nhìn nhận một cách rõ ràng.
Các yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể tiếp tục tạo thách thức cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các số liệu về vĩ mô của riêng Việt Nam vẫn khả quan khi tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu 7,0%, đồng nghĩa tăng trưởng 7,5% trong nửa cuối năm 2022 nhờ mức nền thấp của năm 2021.
Giải ngân đầu tư công cũng sẽ tiếp tục là chủ đề đầu tư đáng quan tâm trong nửa cuối năm 2022 sau khi nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư/pháp lý đã được giải quyết trong nửa đầu năm.
Tháng 7 cũng là cao điểm mùa kết quả kinh doanh bán niên với tăng trưởng lợi nhuận tích cực vẫn ghi nhận ở các ngành Cảng & Vận tải biển, Thủy sản, Hóa chất (Phân bón), Bán lẻ, Dầu khí tuy nhiên với những ngành liên quan tới giá hàng hóa thì kỳ vọng tích cực đã được phản ánh phần lớn vào giá.
Riêng với nhóm Ngân hàng đang chiếm 31% vốn hóa trên HOSE, khả năng nhóm này cũng sẽ tạm thời thể hiện vai trò nâng đỡ thị trường về mặt điểm số khi áp lực trích lập dự phòng là chưa lớn do các ngân hàng đã trích lập nhiều cho nợ tái cơ cấu Covid trong 2021 và các khoản nợ xấu tiềm ẩn liên quan đến bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp sẽ có độ trễ khi phản ánh lên báo cáo tài chính.
Với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức cao (+8,5% từ đầu năm hay +17% so với cùng kỳ) và vượt xa tốc độ tăng trưởng của huy động vốn, thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục duy trì khả quan trong Q2/2022. Do đó, so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế bình quân của nhóm ngân hàng được dự báo đạt trên 20% và một số ngân hàng lớn có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 40% trong Q2/2022.
Về chiến lược giao dịch, trong tháng 6, chỉ số VN-Index nỗ lực kiểm định lại mốc tâm lý 1.300 điểm không thành công và lùi về kiểm định lại vùng 1.160 – 1.150 điểm, là vùng đáy ngắn hạn trong tháng 5. Hiện tại, chỉ số đang chuyển sang trạng thái sideway (đi ngang) quanh vùng 1.200 điểm trong những ngày đầu tháng 7.
Kênh giá 1.150 – 1.223 điểm có thể là vùng dao động chính của chỉ số VN-Index trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo bằng cách chinh phục cạnh trên hoặc phá vỡ cạnh dưới của kênh giá. Theo đó, các giao dịch ngắn hạn có thể tận dụng gia tăng vừa phải tỷ trọng cổ phiếu sau khi VN-Index hồi phục lại từ cạnh dưới (1.150 điểm) với khối lượng cải thiện và hạ tỷ trọng khi chỉ số tiệm cận cạnh trên (1.223 điểm).
Trong kịch bản tích cực hơn, việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu sẵn có nên được đẩy mạnh khi VN-Index vượt mốc 1.223 với khối lượng lớn. Ngược lại, khi VN-Index phá vỡ mốc 1.150 điểm cũng với khối lượng lớn, chiến lược nên được áp dụng là chờ đợi đáy số 2 (vùng đáy số 1 là vùng đáy ngắn hạn tháng 5) của chỉ số xuất hiện để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.