Ngành du lịch Pháp đứng trước nguy cơ “thất thu” nghiêm trọng
Các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình bắt đầu vào đêm 27/6 ở ngoại ô Nanterre của Paris, sau khi một thanh niên tên Nahel Merzouk, gốc Algeria, bị cảnh sát bắn chết. Kể từ đó, bạo loạn đã lan sang các khu vực của thủ đô và một số thành phố khác…
Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Nanterre, vùng ngoại ô ở phía tây bắc Paris. Sau đó đã lan ra những khu vực khác xung quanh thủ đô: Bezons, Gennevilliers, Garges-lès-Gonesse, Asnières-sur-Seine, Montreuil, Neuilly-sur-Marne, Clamart và Meudon. Ngoài ra, Trappes, Clergy, Guyancourt và Vigneux-sur-Seine cũng bị ảnh hưởng. Theo CNN, tất cả các địa điểm đều nằm ngoài đường vành đai "Periphique" bao quanh các quận trung tâm Paris - nơi tập trung hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng và khu dân cư chính.
Các tòa nhà, phương tiện giao thông, cửa hàng đã bị đốt cháy trong tình trạng hỗn loạn. Ở những nơi khác của Pháp, cảnh sát đã được triển khai tới các thành phố du lịch trọng điểm Marseille và Bordeaux ở phía nam, cũng như các thành phố Lille phía bắc - điểm dừng của chuyến tàu Eurostar từ London và Roubaix. Dù vậy phần lớn cuộc sống ở Paris vẫn diễn ra bình thường. Các khu vực trung tâm của Paris, nơi có bảo tàng Louvre và tháp Eiffel gần như hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Tương tự là các khu vực nông thôn và ven biển có nhiều du khách.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục trong bao lâu và những biện pháp tiếp theo mà chính phủ Pháp sẽ áp dụng để xử lý như thế nào. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà tuyển dụng ngành công nghiệp khách sạn, ăn uống Thierry Marx đã nhận được cảnh báo hàng ngày từ người trong ngành, những người phải hứng chịu "các cuộc tấn công, cướp bóc và cơ sở kinh doanh bị phá hủy". Một trong số đó là các chủ nhà hàng, quán cà phê.
“Các khách sạn thành viên của chúng tôi phải hứng chịu làn sóng hủy đặt phòng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc đụng độ và phá hoại", đầu bếp Thierry Marx nói. "Chúng tôi mong muốn giới chức làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn cho những người làm trong ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống tại Pháp - điểm đến du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới".
Trước tình hình căng thẳng ở Pháp, nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại và cảnh báo công dân. Tối 30/6, một xe buýt chở 31 du khách Trung Quốc tại TP Marseille (Pháp) đã bị người biểu tình tấn công. Năm người bị thương sau vụ việc. Theo tờ China Daily, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp nhắc nhở công dân nước này chú ý tình hình an ninh, tránh các khu vực đang diễn ra biểu tình và bạo lực. Đại sứ quán cũng yêu cầu những người Trung Quốc đang du lịch ở Pháp cảnh giác và thận trọng khi ra ngoài đường.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ban hành một cảnh báo an ninh vào ngày 29/6 đối với Pháp, nhấn mạnh hậu quả bạo lực của vụ bắn chết người và cảnh báo công dân của họ tránh xa các điểm rắc rối. "Những cuộc biểu tình này, cùng với các cuộc biểu tình tự phát, dự kiến sẽ tiếp tục và có thể trở nên bạo loạn", cơ quan này nhấn mạnh. “Du khách nước này nên tránh tụ tập nơi đông người và các khu vực trong phạm vi hoạt động của cảnh sát”.
Văn phòng Nước ngoài và Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh cũng đưa ra cảnh báo nhưng nhấn mạnh hầu hết các chuyến du lịch tới Pháp đều không có sự cố. "Các cuộc biểu tình có thể dẫn đến gián đoạn việc đi lại hoặc nhắm mục tiêu vào những chiếc xe đang đỗ ở những khu vực diễn ra các cuộc biểu tình. Bạn nên theo dõi các phương tiện truyền thông, tránh các cuộc biểu tình, kiểm tra lời khuyên mới nhất của các công ty du lịch và làm theo lời khuyên của chính quyền", cảnh báo đưa ra lời khuyên.
Một số cảnh báo khác từ các chính phủ châu Âu cũng cho biết một số thành phố tại Pháp đang áp đặt lệnh giới nghiêm để đảm bảo an toàn cho người dân. Du khách đang ở Pháp nên giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè, gia đình. Các tụ điểm công cộng, bãi đỗ ô tô gần khu vực diễn ra các cuộc biểu tình dễ trở thành mục tiêu đụng độ bạo lực, do đó du khách cần tránh những địa điểm này. Ngoài ra, du khách nên đến Pháp thông qua tour của công ty du lịch và tuân thủ các cảnh báo an toàn của chính quyền. Khách du lịch nên mua bảo hiểm để phòng trường hợp xấu nhất.
Trong khi đó, theo AFP, dữ liệu gần đây từ Hiệp hội Khách sạn Pháp (UMIH) cho thấy các nhà hàng trong khu vực Paris có doanh thu giảm 20 - 30% khi các cuộc đình công phản đối độ tuổi hưu trĩ bắt đầu hồi đầu năm. Khi các cuộc biểu tình từ ôn hòa chuyển sang bạo lực, nhiều nhà hàng đối mặt quyết định: mở hay đóng. Mở cửa phải đối mặt nguy cơ đám đông giận dữ xông vào đập phá. Nếu đóng sẽ không có doanh thu và thậm chí đối mặt với tình trạng đập phá "ác liệt" hơn từ người biểu tình.
Khi ngành du lịch trở lại sau đại dịch, hàng trăm nghìn du khách đã lập tức đổ đến Paris nhằm chiêm ngưỡng "kinh đô ánh sáng". Nước Pháp cũng được coi là một nơi ngập tràn lịch sử, quê hương của những điểm đến hàng đầu. “Cùng với Italy và Tây Ban Nha, Pháp đại diện cho một phân khúc tăng trưởng du lịch đáng kể ở Tây Âu. Quốc gia này không chỉ nổi tiếng với du khách từ chính châu Âu - đặc biệt là Vương quốc Anh, Đức và Bỉ - mà còn nổi tiếng với du khách từ những nơi xa hơn, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ”, Hannah Free, nhà phân tích du lịch và lữ hành tại GlobalData cho biết.
Theo GlobalData, một trong những điểm thu hút lớn nhất của Pháp là giao thông vận tải. Việc đi lại giữa các thành phố lớn tương đối dễ dàng với kết nối tàu cao tốc. Giờ đây, nếu đình công hay bạo loạn tiếp tục kéo dài, các chuyến tàu cao tốc chịu ảnh hưởng cũng sẽ khiến du khách không còn “mặn mà” với đất nước này. Đó là chưa kể, Pháp cũng là điểm đến kết nối tốt với các nước châu Âu khác thông qua các chuyến tàu đêm đường dài, nhưng các cuộc bạo loạn tại Pháp đã bắt đầu lan sang các quốc gia châu Âu khác, gồm Thụy Sĩ và Bỉ, trong những ngày gần đây.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tình trạng bất ổn lặp đi lặp lại này sẽ cản trở kế hoạch du lịch mùa hè của du khách đến mức nào? Điều chính phủ cần làm hiện nay là tiếp tục thu hút du khách và khắc phục mọi vấn đề, cải thiện hình ảnh đất nước. Nghiên cứu của Ủy ban Du lịch châu Âu chỉ ra lục địa này vẫn còn bỏ lỡ một nhân tố quan trọng trong quá trình phục hồi. Đó chính là thu hút khách đường dài đến từ các nơi xa, khác châu lục.
Năm 2022, du lịch đường ngắn và trung bình phát triển mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế tăng gần bằng 80% trước dịch. Tuy nhiên vào 2019, khách đường dài chiếm 25% tổng số đêm khách lưu trú tại châu Âu. Những vị khách này được săn đón vì họ ở lại lâu và đến nhiều điểm hơn. Hiện Mỹ là thị trường du khách số một ở châu Âu. Họ đang có đồng tiền mạnh và nhiều người chịu chi, sẵn sàng tăng ngân sách kỳ nghỉ. Tuy nhiên, số lượng khách Mỹ đến châu Âu năm nay dự kiến chỉ đạt 80% so với 2019. Phải đến 2025, dự kiến lượng khách mới đông bằng trước dịch.
Tại Việt Nam, nhiều công ty lữ hành khai thác tuyến du lịch châu Âu có điểm dừng chân là Pháp cho biết đa số tour sẽ đi qua hoặc bay thẳng tới Paris và số ít sẽ đến miền Nam nước Pháp để kết hợp du lịch Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Hiện tại, theo ghi nhận, chưa có đơn vị nào hoãn, hủy tour vì vấn đề biểu tình.