08:10 25/12/2020

Nghẽn mạng giao dịch: "Nên thông cảm cho đơn vị vận hành"

Nguyên Minh

Tuy nhiên vấn đề này cần sớm được giải quyết khi thị trường có thể tăng tốc giá trị giao dịch lên tới 16-17.000 tỷ/phiên

Giá trị giao dịch trên 10.000 tỷ không còn là "của hiếm" của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi các nhà đầu tư sôi động giao dịch, việc nghẽn mạng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam quanh những hiện tượng mới trên thị trường chứng khoán thời gian qua. 

TIỀN VÀO CHỨNG KHOÁN SẼ CÒN TIẾP TỤC TĂNG 

Giá trị giao dịch trên thị trường tăng vọt từ giữa tháng 11 đến nay với những phiên khớp lệnh trên 10.000 tỷ chỉ trên HSX không còn là chuyện hiếm. Theo ông, nguyên nhân nào khiến các nhà đầu tư vào tiền nhiều như vậy?

Thứ nhất là các thông tin tích cực đến từ thế giới. Thời gian qua mọi người gặp khó khăn và toàn bộ nền kinh tế gặp trở ngại do dịch Covid-19, đến nay vắc-xin điều trị đã được chấp thuận điều trị ở các quốc gia lớn trên thế giới và đã được sử dụng cho các nhân sự làm việc ở tuyến đầu, điều này cho thấy việc điều trị phổ cập cho toàn bộ người dân sẽ diễn ra sớm. Đây là một thông tin rất tích cực, khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì toàn bộ hoạt động giao thương, thương mại, hoạt động đi lại sẽ trở lại bình thường và quay lại hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục. 

Thứ 2 là các ngân hàng trung ương và chính phủ đang tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói định lượng, như vừa rồi lưỡng viện Mỹ đã đồng thuận duyệt chi khoản ngân sách mới hơn 900 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng như người dân. 

Thứ 3 là dòng tiền rẻ. Khi các gói định lượng được tung vào nền kinh tế, rõ ràng lượng tiền tham gia rất lớn trong khi lãi suất được giữ ổn định ở mức thấp từ cả thế giới đến trong nước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hưởng lợi khi các chi phí tài chính giảm, giúp biên lợi nhuận tăng lên. Bên cạnh đó, khi lãi suất cho vay thấp thì lãi suất huy động đầu vào cũng thấp, dẫn đến người dân có tiền nhàn rỗi không còn thiết tha với việc gửi tiền tiết kiệm. 

Trong khi đó những kênh đầu tư khác như bất động sản tương đối trầm lắng, một vài khu vực thu hút dòng tiền nhưng đã trở nên quá nóng, còn đầu tư vàng chỉ phù hợp khi nền kinh tế đang bắt đầu gặp khó khăn hoặc khủng hoảng, nhưng thời điểm này các yếu tố tích cực đang dần tăng lên và lan tỏa mạnh mẽ hơn khiến nhu cầu đầu tư vào vàng để làm nơi trú ẩn không còn hiệu quả nữa. 

Các nguyên nhân trên dẫn đến dòng tiền của các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến thị trường chứng khoán, là một nơi có thể tạo ra lợi suất lớn từ 5-10% có khi lên đến 30-40%. Tính thanh khoản lại cực kỳ cao, có thể góp vốn vào và rút vốn ra chỉ trong vài ngày, dẫn đến dòng tiền rẻ tham gia vào thị trường liên tục trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư F0 đã giúp đưa giá trị giao dịch của thị trường ngày càng tăng cao hơn. 

Có thể thấy, mỗi một ngày lại chứng kiến một kỷ lục mới về thanh khoản bị phá vỡ. Lúc trước 10.000 tỷ là cao nhưng những ngày gần đây, giá trị giao dịch trung bình dao động từ 13.000-15.000 tỷ. Nếu hệ thống không gặp sự cố, con số này có thể lên đến 15.000-16.000 tỷ mỗi ngày. Đây cũng là một yếu tố tích cực giúp thu hút dòng tiền đến với thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nghẽn mạng giao dịch: "Nên thông cảm cho đơn vị vận hành" - Ảnh 1.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam

Theo ông, điều này là tín hiệu tích cực kéo dài hay chỉ là bộc phát nhất thời của thị trường? 

Theo tôi đây là tín hiệu tích cực, sẽ được duy trì cũng như kéo dài và phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới. Tại sao? Thứ nhất, các yếu tố thuận lợi đối với nền kinh tế, với doanh nghiệp và thị trường chứng khoán như trên là tổng lực, là niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp tục góp vốn vào thị trường chứng khoán. Thứ hai các kênh đầu tư khác chưa có kênh nào hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ không có lý do gì để rời bỏ thị trường khi kênh này vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận nhanh nhiều và tính thanh khoản cao, dòng tiền sẽ vẫn tiếp tục ở lại thị trường. 

Nghẽn mạng giao dịch: "Nên thông cảm cho đơn vị vận hành" - Ảnh 2.

Số tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt trong năm nay

Thứ ba là số nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch thực tế chỉ mới ở mức vài triệu người, chưa tới 10% tổng số dân cho thấy tiềm năng, dư địa nhà đầu tư tiếp tục mở tài khoản, tiếp tục giao dịch chứng khoán là còn rất lớn. Trong khi ở các nước phát triển, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán chiếm từ 30-40% tùy mỗi quốc gia. 

Với sức hấp dẫn và yếu tố lợi nhuận tốt trong giai đoạn vừa qua sẽ tiếp tục thu hút những nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư vẫn còn e ngại hay thận trọng với đầu tư chứng khoán, họ sẽ tham gia dần vào thị trường. Tôi tin sức hút này vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa, kéo theo nguồn tiền lớn hơn trong giai đoạn tới. 

Một trong những yếu tố nữa là các quỹ đầu tư ngoại trên thế giới cũng đã tiếp tục rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là các chứng chỉ quỹ dành cho các cổ phiếu hết room ngoại, dành cho cổ phiếu tốt đã liên tục thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việc dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng trong thời gian sắp tới.

CÓ THỂ HIỂU VÀ THÔNG CẢM CHO ĐƠN VỊ VẬN HÀNH VỀ SỰ CỐ GIAO DỊCH

Liên quan đến vấn đề nghẽn mạng giao dịch, lãnh đạo HoSE có chia sẻ năng lực của công ty chứng khoán và hệ thống của sở, đường truyền sẽ có giới hạn nhất định. Ở góc độ của công ty chứng khoán, ông lý giải vấn đề này như thế nào? 

Đây là sự cố không ai mong muốn. Cơ quan quản lý không mong muốn xảy ra điều này, các nhà đầu tư là những người trực tiếp gặp khó khăn và thiệt hại khi sự cố xảy ra khi có thể không giao dịch được ở mức giá kỳ vọng, trong khi công ty chứng khoán cũng gặp khó khăn và thiệt hại khi nhà đầu tư không thể giao dịch. Vì vậy, xét trên tổng thể các nhóm tham gia vào thị trường đều gặp khó khăn nên đây là việc chúng ta nên thông cảm. 

Hệ thống giao dịch đang sử dụng đã được triển khai một thời gian khá lâu, và hiện nay việc gia tăng đột biến giá trị giao dịch và khối lượng lệnh tham gia giao dịch ngoài sức tưởng tượng, kể cả cơ quan quản lý cũng không lường trước được lượng tham gia đột biến như vậy. 

Cứ đóng cửa mỗi ngày, giá trị giao dịch dao động từ 10.000-13.000 tỷ đồng, đó là giá trị giao dịch đã khớp lệnh. Nếu đi sâu vào phân tích, tổng khối lượng lệnh và khối lượng tiền tham gia vào giao dịch ở những phiên quyết định như giữa phiên 2 trở đi và phiên 3 thì lượng tiền thông qua các lệnh tham gia giao dịch phải lên đến 30.000-40.000 tỷ bởi nhiều lệnh tham gia chưa phù hợp giá để khớp lệnh. Do đó hệ thống trở nên quá tải. 

Cá nhân tôi thấy việc này có thể hiểu và thông cảm cho đơn vị vận hành là HoSE và các cơ quan quản lý có liên quan. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng sự cố này sẽ sớm được giải quyết và đơn vị vận hành sẽ có những giải pháp để giảm thiểu và khắc phục tình trạng nghẽn mạch giao dịch này và xa hơn là sớm nâng cấp hệ thống, thậm chí là thay đổi core hoạt động của hệ thống để giúp thị trường giao dịch trở lại một cách hiệu quả hơn, thông suốt hơn. Tương lai gần thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không dừng lại ở mức giao dịch 13.000-15.000 tỷ mà có thể tăng tốc lên tới 16-17.000 tỷ/phiên, điều này cần được chuẩn bị trước trong giai đoạn tới. 

Vậy việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu có giải quyết vấn đề này không? 

Mỗi một yếu tố đều có tính hai mặt. Nếu ở góc độ nhà đầu tư cá nhân thật sự nhỏ, tham gia giao dịch với khối lượng và giá trị thấp, có nhu cầu về lô lẻ 10-20 cổ phiếu thì khi nâng lô lên 100 sẽ có ảnh hưởng nhưng thực tế lượng nhà đầu tư này không nhiều trên thị trường. 

Trên thị trường, các cổ phiếu nằm dưới mệnh giá rất nhiều, từ 10-20.000 đồng/cổ phiếu cũng rất nhiều, nếu 10 cổ phiếu mỗi nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra vài trăm đến 1-2 triệu đồng. Thực tế những nhà đầu tư tham gia thị trường hầu hết đều có số vốn cao hơn mức này rất nhiều nên nhóm nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch vài trăm nghìn/ngày khá ít, dẫn đến việc quan trọng hơn là có thể cân nhắc việc nâng lô giao dịch lên 100 để giúp hệ thống giảm tải. 

Khi hệ thống ngưng giao dịch thì tất cả nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì nhà đầu tư giao dịch lớn hay nhỏ. Việc tiếp tục duy trì giao dịch cổ phiếu lô lẻ không những không giúp ích gì được cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng nhiều hơn đến toàn thị trường. Trong khi việc điều chỉnh quy định giúp cải thiện hệ thống không bị ngưng trệ tắc nghẽn nữa là điều tốt hơn cho toàn bộ thị trường, bao gồm cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Theo tôi quy định này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi quy mô thị trường đã mở rộng rất là nhiều và mở rộng một cách đột biến như vậy.