Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc điêu đứng
Không chỉ bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, giới đầu tư nước ngoài cũng không còn hào hứng với việc hậu thuẫn những công ty khởi nghiệp (startup) hứa hẹn nhất của xứ tỷ dân...
Cách đây 1 năm, nền tảng giải trí trực tuyến Bilibili của Trung Quốc được định giá ở mức 54 tỷ USD. Đó là thời điểm các nhà đầu tư Phố Wall đổ xô rót tiền vào “ngôi sao” công nghệ đang lên này.
Nhưng bây giờ, theo Financial Times, giá trị vốn hoá của Bilibili - công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq - đã giảm xuống mức khoảng 6,5 tỷ USD, một sự suy sụp khiến thời hạn thanh toán các khoản nợ bị rút ngắn, đe doạ rút kiệt số tiền mặt còn lại của công ty. Không còn lựa chọn nào khác, Bilibili phải điên cuồng cắt giảm chi phí.
Những khó khăn mà Bilibili đang phải trải qua có thể được xem như đại diện của những vấn đề rộng lớn hơn trong ngành công nghệ Trung Quốc hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ồ ạt cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, ngay cả cổ phiếu của những “gã khổng lồ” internet đang làm ăn có lãi như Tencent và Alibaba. Giới đầu tư nước ngoài cũng không còn hào hứng với việc hậu thuẫn những công ty khởi nghiệp (startup) hứa hẹn nhất của xứ tỷ dân.
CỔ PHIẾU CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC BỊ BÁN THÁO, VỐN HOÁ RƠI SÂU
Công ty đầu tư mạo hiểm khổng lồ Sequoia Capital tuần trước đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài có động thái thể hiện mối lo ngại sâu sắc trước căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Theo đó, Sequoia Capital thông báo kế hoạch tách hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc thành một thực thể riêng biệt.
Song song với sự rút lui của dòng vốn nước ngoài là tình trạng phục hồi kinh tế không ổn định. Đây là một yếu tố khác gây giảm giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sau một đợt tăng ngắn ngủi dựa trên hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại. Xu hướng giảm của cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã khiến cả các nhân viên và nhà đầu tư của các doanh nghiệp này lo ngại rằng mức định giá ảm đạm của công nghệ Trung Quốc niêm yết ở New York và Hồng Kông có thể kéo dài.
Một nhà phân tích chứng khoán làm việc tại Hồng Kông nhận định với Financial Times: “Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức và nền kinh tế đang gặp khó”. Vị này lưu ý rằng động thái gây tranh cãi của ngân hàng JPMorgan Chase vào năm ngoái khi dán nhãn cổ phiếu internet Trung Quốc là “không thể đầu tư” giờ đây đã được xem là một đánh giá chuẩn xác.
Xu hướng này thậm chí còn gây tổn hại cho các tập đoàn giàu tiền mặt như Tencent và Alibaba, vốn là những doanh nghiệp đã thắt lưng buộc bụng và dồn tiền tiết kiệm vào việc mua lại cổ phiếu của chính mình. Nhân viên tại các công ty đó cho biết những chu kỳ cắt giảm chi phí bất tận và thu nhập ngày càng đi xuống đã ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên.
Những cập nhật tài chính tích cực gần đây từ các công ty internet khổng lồ của Trung Quốc đã không có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ giá cổ phiếu công ty. Cổ phiếu của Tencent hiện đã giảm 19% và Alibaba giảm 29% so với mức cao nhất thiết lập trong tháng 1.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã mất tổng cộng 300 tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường, trong khi các công ty tương tự ở Mỹ đã tăng thêm gần 5 nghìn tỷ USD vốn hoá - theo số liệu của S&P Capital IQ.
Đối với nhiều nhà đầu tư, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang là một lời nhắc nhở liên tục về số phận của những ai đã hậu thuẫn các công ty Nga, với hàng tỷ USD vốn hoá đã bốc hơi ngay sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, dẫn đến các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây áp lê Moscow.
Sự phức tạp càng gia tăng bởi việc Washington có thể mở rộng các hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Việc mở rộng như vậy đồng nghĩa bổ sung thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được vạch ra nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn cao cấp và thiết bị sản xuất con chip.
Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài lớn đang rút lui như một hệ quả tất yếu, bao gồm cả các quỹ hưu trí phương Tây trước đây vốn từng là những nhà đầu tư đi đầu trong việc hậu thuẫn ngành công nghệ Trung Quốc ở cả thị trường tư nhân và đại chúng.
Cách đây 2 năm, Ontario Teachers’ Pension Plan, quỹ hưu trí lớn thứ ba của Canada, đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào cổ phiếu của Alibaba và Tencent. Ở thời điểm hiện tại, cả hai công ty Trung Quốc này đều không có tên trong số các khoản đầu tư hàng đầu của quỹ. Gần đây, Ontario Teachers’ còn cắt giảm đội ngũ làm việc tại Hồng Kông, vốn là nhóm chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư này.
Về phần mình, nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett đã âm thầm bán hơn một nửa cổ phần của mình trong hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc BYD trong năm qua. Năm nay, ông Buffett đã mua và sau đó cũng nhanh chóng bán một lượng lớn cổ phiếu TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan, sau khi đánh giá lại vị trí của công ty này đặt tại một điểm nóng địa chính trị tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược gia Winnie Wu tại Bank of America nhất trí với quan điểm cho rằng rằng tương lai đặc biệt không có vẻ tươi sáng đối với các công ty internet Trung Quốc. “Các cổ phiếu và lĩnh vực từng được các nhà đầu tư nước ngoài tích cực nắm giữ đang phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn và đánh giá thấp hơn”, bà Wu nói.
CHIẾN DỊCH SA THẢI, GIẢM LƯƠNG TẠI CÁC “ÔNG LỚN” CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC
Theo S&P Capital IQ, hiện có 252 công ty Trung Quốc giao dịch tại Mỹ hoặc Hồng Kông đáp ứng định nghĩa về “net-net” - doanh nghiệp có tài sản lưu động trừ đi tổng nợ phải trả lớn hơn giá trị thị trường của công ty. Trng số này có những công ty mà cổ phiếu đã giảm sâu như DouYu - một công ty do Tencent hậu thuẫn, là một nền tảng phát trực tuyến trò chơi điện tử có lãi với 880 triệu USD tiền mặt ròng và vốn hóa thị trường chỉ 323 triệu USD.
Với tình trạng mất giá cổ phiếu không hề có dấu hiệu sớm chấm dứt, các công ty công nghệ Trung Quốc đang ưu tiên mua lại cổ phần và cắt giảm chi phí. Một nhà đầu tư công nghệ lớn của Trung Quốc và là thành viên hội đồng quản trị của một số công ty hàng đầu cho biết những chiến lược như vậy là hợp lý để hỗ trợ giá cổ phiếu trong bối cảnh giá xuống quá thấp.
Giá trị vốn hoá tụt sâu là vấn đề nghiêm trọng hơn cả đối với các công ty nhỏ hơn và chưa có lợi nhuận như Bilibili. Nhân viên công ty này cho biết lãnh đạo đã cắt giảm tiền thưởng và sa thải, đồng thời cắt giảm các mảng kinh doanh trong nỗ lực để hoà vốn. Cổ phiếu mất giá chóng mặt đã khiến thách thức mà Bilibili phải đối mặt trở nên gay gắt hơn. Một nhóm các nhà đầu tư - đã cho công ty vay 2,9 tỷ USD với niềm tin rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng giá - giờ đây có tùy chọn và động lực để thu hồi sớm các trái phiếu chuyển đổi của họ.
Giữa tháng 6 này, Bilibili dự kiến sẽ chi 1,7 tỷ USD để mua lại trái phiếu chuyển đổi, đồng nghĩa lượng tiền mặt của công ty sẽ giảm xuống còn khoảng 2 tỷ USD. Công ty còn đối mặt với khoản thanh toán nợ 900 triệu USD khác vào năm tới, có khả năng sẽ gặp rắc rối nếu tiếp tục lỗ lớn. Bilibili đã lỗ tổng cộng gần 900 triệu USD trong 12 tháng qua. “Không thể có đủ tài chính nếu tiếp tục đốt tiền mặt như vậy”, một nguồn tin thân cận với công ty nhận định và cho rằng ban lãnh đạo công ty “thiếu hình dung về cách để tạo ra sự tăng trưởng”.
Nhưng ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc cũng đang có những hành động quyết liệt. Alibaba đã chi tương đương khoảng một nửa dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu trong năm qua và cắt giảm 24.000 vị trí. Nhân viên Alibaba cho rằng việc tập đoàn tiếp tục chia tách thành 6 thực thể sẽ dẫn tới mất việc làm nhiều hơn nữa.
Nhân viên làm việc tại các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc cũng cho biết họ đang bị ảnh hưởng nặng nề gấp đôi bởi giá trị các khoản thù lao trả bằng cổ phiếu ngày càng giảm. Đối với một số người, cổ phiếu chiếm một nửa số tiền lương của họ, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Một nhà phát triển tại Tencent cho biết mức lương không còn đáng để chịu áp lực. “Mỗi người đều đang phải làm công việc của 3 người. Hiện tại không có nhiều tiền mặt nên công ty muốn giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Thời hoàng kim của các công ty internet đã không còn nữa”, anh nói.