17:07 18/01/2016

Nhân sự Đại hội 12: “Không nên suy diễn từ thông tin mạng”

Nguyễn Lê

Nhiều mối quan tâm của báo giới về Đại hội 12 của Đảng đã được hồi âm sáng 18/1

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
"Chúng ta không nên căn cứ thông tin trên mạng để suy diễn về công tác nhân sự của Đại hội Đảng 12", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo sáng 18/1.

Phóng viên hỏi, ngay sau khi hội nghị Trung ương 14 kết thúc, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin nêu cụ thể về danh sách 4 ứng cử viên cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đề nghị bình luận về việc này?

"Đúng là sau hội nghị Trung ương 14, trên mạng xã hội có xuất hiện các thông tin về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên chúng ta  không nên căn cứ các thông tin trên mạng để suy diễn công tác nhân sự của Đại hội  Đảng 12. Công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng 12 được  thực hiện đúng quy trình, dân chủ, nghiêm túc và đúng quy định của Đảng. Nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, các vị trí chủ chốt, các vị trí quan trọng sẽ được công bố sau khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội", ông Tuấn trả lời.

Đổi mới lần hai?


Nhiều mối quan tâm khác của báo giới về Đại hội 12 cũng được hồi âm tại cuộc họp báo. VnEconomy xin giới thiệu lược ghi phần hỏi đáp này.

VTV: Xin cho biết những nét mới, nổi bật trong các văn kiện Đại hội 12? Đề nghị bình luận về ý kiến cho rằng Đại hội 12 có thể được coi là khởi đầu cho một công cuộc đổi mới lần thứ 2?


Ông Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân:

Về các điểm mới của văn kiện thì thứ nhất chủ đề văn kiện có bổ sung một số điểm mới. Cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc thì chủ đề nêu rõ “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”, cùng với việc bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Trong chủ đề lần này cũng không nêu ra đến mốc thời gian nào Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà dùng cụm từ sớm phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ hai, về kết cấu, báo cáo chính trị lần này được chia ra 15 phần tương đương với 15 lĩnh vực để tiện theo dõi, khái quát những thành tựu, hạn chế, phát triển sắp tới của từng lĩnh vực.

Về kinh tế, dự thảo nêu lên việc tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Văn kiện cũng nâng cao và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Về lĩnh vực văn hoá xã hội và môi trường, văn kiện nêu ra việc đổi mới căn bản bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng văn hóa và con người; quản lý xã hội và thực hiện tiến bộ công bằng và an sinh xã hội.

Về quốc phòng an ninh, văn kiện lần này khẳng định đây là lĩnh vực rất quan trọng, nêu lên những điểm mới về nhận thức, mục tiêu, giải pháp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân, nêu cao độc lập tự chủ, xây dựng sức mạnh dân tộc và thời đại.

Về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị văn kiện nêu quan điểm phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân, tôn trọng các điểm khác biệt không trái lợi ích quốc gia dân tộc. Phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng thời xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Về xây dựng Đảng, chú trọng tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong đó có phần đẩy mạnh chống suy thoái chính trị và tư tưởng đạo đức.

Về câu hỏi Đại hội Đảng 12 có là khởi đầu cho đổi mới lần 2 không thì tôi xin trả lời là qua 30 năm đổi mới, chúng ta đã thu được thành tựu quan trọng và Đại hội Đảng 12 sẽ tiếp tục tinh thần đổi mới của 30 năm đổi mới vừa qua.

TTXVN: Xin cho biết những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương:

Chính sách đối ngoại của Đảng là sự nhất quán và kế thừa. Chúng tôi rất coi trọng quan hệ với các quốc gia láng giếng, các nước trong khu vực.

Với tinh thần chủ động, hội nhập quốc tế, chúng tôi cũng coi trọng quan hệ với các nước lớn và quan trọng. Làm sao để Việt Nam có nhiều cơ hội thể hiện trách nhiệm của mình đúng như tinh thần văn kiện của chúng tôi từ Đại hội 11 cho đến đại hội lần này, đó là Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế là một định hướng chiến lược Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đó xác định hội nhập kinh tế là trung tâm. Những điểm đó tôi cho rằng đã thể hiện sự ưu tiên của chúng tôi trong đường lối, chính sách đối ngoại.

Nhân dân góp ý những gì?

Nhân Dân: Từ 15/9/2015 dự thảo báo cáo chính trị đã được đăng tải để lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Xin cho biết ý kiến của các tầng lớp nhân dân tập trung vào vấn đề gì và được tiếp thu như thế nào? Những nội dung quan trọng đáng chú ý sẽ được trình ra Đại hội?

Ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng:


Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân về báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội đã có tới 26 triệu lượt ý kiến góp ý.

Các ý kiến rất phong phú, đề cập đến tất cả các lĩnh vực. Trong đó nhiều ý kiến tập trung góp ý về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt về tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trường, phòng chống tham nhũng. Nhiều ý kiến hết sức tâm huyết về xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.

Nổi lên là các ý kiến về việc làm sao bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có cả vấn đề biển Đông.

Các ý kiến góp ý đã được Trung ương Đảng chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa để có thể hoàn thiện các văn kiện. Tất cả các ý kiến đã được nghiên cứu, chắt lọc để tiếp thu tối đa. Văn kiện trình Đại hội 12 tới đây trên cơ sở đã được tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

VOV: Xin cho biết dự thảo quy chế làm việc, quy chế bầu cử trong Đại hội Đảng 12 lần này có gì mới? Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 dự kiến sẽ có bao nhiêu ủy viên?


Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương:

Hai nội dung trên là thuộc trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương khoá 11 chuẩn bị. Đây mới là dự thảo, khi nào trình Đại hội biểu quyết thông qua mới có giá trị.

Về số lượng Ban Chấp hành Trung ương khoá 12, theo phương án Trung ương thông qua trình Đại hội thì dự kiến sẽ có 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết. Việc này cũng mới là phương án chuẩn bị để trình, khi nào Đại hội bầu mới chính thức công bố.

VietNamNet: Xin cho biết việc rút khỏi danh sách được giới thiệu để Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ được thực hiện như thế nào?


Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương:

Việc rút khỏi danh sách giới thiệu để bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới sẽ do Đoàn Chủ tịch xem xét, đề xuất Đại hội quyết định cho rút hay không.

* Thông tin chung từ cuộc họp báo cho biết, về cơ cấu đại biểu dự Đại hội 12: tổng số 1.510 đại biểu, trong đó có 197 đại biểu là ủy viên Trung ương Đảng chính thức và ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết khóa 11.

Về trình độ học vấn: giáo sư, phó giáo sư có 55 đại biểu; tiến sĩ có 241 đại biểu; thạc sĩ có 511 đại biểu; đại học có 757 đại biểu.

Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp có 1.501 đại biểu, trung cấp có 8 đại biểu.

Về độ tuổi: từ 30 tuổi trở xuống có 2 đại biểu; từ 31 đến 40 tuổi có 65 đại biểu, từ 41 đến 50 có 384 đại biểu; từ 61 đến 70 tuổi có 64 đại biểu và trên 70 tuổi có 2 đại biểu.

Trung tâm báo chí được bố trí trên diện tích 1.000 m2, trang bị 170 máy tính cố định. Trung tâm đã nhận được đăng ký của gần 600 phóng viên, kỹ thuật viên của các cơ quan báo chí trong nước, đăng ký của khoảng 20 cơ quan báo chí nước ngoài với 118 phóng viên.