11:16 30/06/2010

Nhật muốn sửa đổi điều lệ ODA

Minh Huy

Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 29/6 đã đề nghị sửa đổi Điều lệ viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Báo cáo đề nghị thay viện trợ bằng USD, thay cho đồng Yen - Ảnh: ABC.
Báo cáo đề nghị thay viện trợ bằng USD, thay cho đồng Yen - Ảnh: ABC.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hôm 29/6, đã đề nghị sửa đổi Điều lệ viện trợ phát triển chính thức (ODA), để nâng cao hiệu quả các khoản viện trợ của nước này, sau 11 năm kinh phí ODA giảm liên tiếp.

Tờ Japan Times dẫn một báo cáo do cơ quan trên soạn thảo cho hay, khoản viện trợ này cần ưu tiên cho những lĩnh vực như giảm bớt đói nghèo, các nỗ lực kiến tạo hòa bình và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao gồm các dự án đối phó với sự biến đổi khí hậu.

Báo cáo trên do một nhóm đặc trách thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản soạn thảo với sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức viện trợ phi chính phủ và giới doanh nghiệp, nhấn mạnh việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới cũng là phục vụ lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề nghị tăng đóng góp của khu vực tư nhân vào ngân quỹ viện trợ và áp dụng cơ chế tài chính sáng tạo, như đánh thuế mua vé máy bay mà Pháp và Hàn Quốc đã áp dụng.

Lần sửa đổi Điều lệ ODA gần đây nhất là vào tháng 8/2003. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, sẽ cần khoảng một năm để Chính phủ sửa đổi Điều lệ này.

"Chúng ta cần phải xem xét lại chính sách ODA để giành được nhiều sự ủng hộ hơn của dân chúng đối với các khoản viện trợ dành cho nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Katsuya Okada, tuyên bố.

“Để làm được điều đó, chúng ta phải thực hiện các dự án viện trợ một cách có chiến lược và hiệu quả”, ông nói thêm.

Theo ông Okada, Chính phủ Nhật Bản nên cân nhắc cung cấp các khoản vay bằng USD thay vì bằng đồng Yen, để tránh rủi ro hối đoái. Đồng thời, để tăng hiệu quả, Nhật Bản cần phối hợp với các đối tác để tiến hành viện trợ theo một kế hoạch lớn, thay vì đáp ứng đề nghị về các dự án riêng lẻ của các nước tiếp nhận viện trợ.

Báo cáo đề nghị tăng cường viện trợ dành cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản thông qua xuất khẩu công nghệ. Nhật Bản cũng cần cung cấp các khoản vay bằng đồng yen cho các nước có thu nhập trung bình thay vì chỉ trợ giúp kỹ thuật như hiện nay.

Nhật Bản từng là nước viện trợ lớn nhất thế giới. Năm 2009, nước này tụt xuống vị trí thứ 5. Mới đây Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) kêu gọi Nhật Bản tăng nguồn viện trợ để trở lại là nước cung cấp ODA lớn nhất thế giới.