Nhiều địa phương tích cực chuẩn bị đón du khách Hồi giáo
Từ năm 2022, Việt Nam đã tiến hành những cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Trung đông. Đồng thời, tại các hội nghị du lịch MICE, luôn lồng ghép, dành một phần nội dung để thảo luận về du lịch Halal...
Xu hướng du lịch của người Hồi giáo đang rất khả quan. Tính về số dân, người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người. Theo công bố tại báo cáo Chỉ số Hồi giáo Toàn cầu năm 2022 của Công ty du lịch CrescentRating (Singapore), dự báo tăng trưởng thị trường khách du lịch Hồi giáo sẽ ở mức 160 triệu vào năm 2024 do sự mở rộng của du lịch quốc tế.
Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD. Làm thế nào để “hút” dòng tiền này chảy vào các dịch vụ du lịch ở Việt Nam là hướng quan tâm mới của giới đầu tư và những nhà hoạch định, kinh doanh du lịch.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Công nghiệp Halal nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo và thu hút dòng khách du lịch kết hợp với hợp tác đầu tư, tìm kiếm cơ hội làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam, xuất khẩu tại chỗ bằng khai thác du lịch... Do đó, dự báo năm 2024 sẽ là năm bùng nổ về du lịch và công nghiệp Halal.
Mới đây, Sở Du lịch Quảng Ninh đã có buổi làm việc với TNHH Halal Quốc gia Việt Nam và BQT khách Sạn Phát Linh Delasea tại TP Hạ Long nhằm xúc tiến, thúc đẩy dịch chuyển từng phần nhà hàng và khách sạn để đón dòng khách du lịch Halal. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, làm thế nào để tận dụng được lợi thế để khai thác và giữ chân khách du lịch Hồi giáo mới là hướng phát triển vững chắc, là lối đi mới mở ra triển vọng tốt đẹp của ngành du lịch hiện nay.
Đại diện cho Công ty TNHH Halal Quốc gia Việt Nam-VNH, ông Trần Văn Tân Cương, cho biết: “Dòng khách Hồi giáo là dòng khách cao cấp, tài chính mạnh, ổn định, chịu chơi và chịu chi. Dòng khách cao cấp nhất đến từ Trung Đông, thuộc khối các nước APEC, thường có xu hướng đi du lịch nhóm, đưa theo cả địa gia đình nhiều thế hệ, nhiều vợ, con. Họ lựa chọn sử dụng các dịch vụ cao cấp như du thuyền, khách sạn 5 sao, yêu cầu phục vụ cá nhân đặc biệt cao và chuẩn chỉ, chi tiết”.
Bên cạnh đó, theo ông Cương, dòng khách đến từ Đông Nam Á và Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Singapore... cũng hướng tới phân khúc cao cấp, lựa chọn ở lưu trú tại khách sạn 4 - 5 sao hoặc du thuyền, đòi hỏi phục vụ riêng tập trung nhóm cá nhân, có lưu ý đặc biệt đến yêu tố văn hóa phong tục và tôn giáo.
Do đó, khi khai thác dòng khách này đòi hỏi điểm đến, cơ sở lưu trú hay nhà hàng phải bố trí không gian đón tiếp riêng, bố trí phù hợp với nhu cầu ăn uống thói quen sinh hoạt tôn giáo, tôn trọng nghi thức tín ngưỡng, thời gian tiếp đón không trùng lắp hay xen lẫn với các dòng khách khác... “Quá trình dịch chuyển phải đồng bộ, chuẩn chỉ đến từng chi tiết, đặc biệt cần phải có những chuyên gia có hiểu biết biết sâu sắc về tín ngưỡng, tôn giáo và tập tính sinh hoạt của họ cố vấn, huấn luyện và kiểm định, chứng nhận đạt chuẩn Halal”, ông Cương nói thêm.
Theo tìm hiểu của TNHH Halal Quốc gia Việt Nam thì xu hướng du lịch Hồi giáo đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trang tin Halaltrip.vn sớm đi vào hoạt động sẽ trở thành tiếng nói của cộng đồng du lịch Halal Việt nam và kết nối các doanh nghiệp du lịch, chia sẻ cơ hội để cộng đồng du lịch Halal tìm thấy mình, tìm thấy đối tác bạn hàng và chung tay xây dựng phát triển thương hiệu Du lịch Halal Việt Nam.
Năm 2023, ước tính khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch trên thế giới. Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, một đặc thù của khách Hồi giáo chính là sự lan truyền. Điểm đến nào có hệ sinh thái Hồi giáo sẽ được khách du lịch Hồi giáo truyền miệng nhau, từ đó giúp marketing điểm đến hiệu quả.
Theo ông Thủy, hiện tại một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore đã xây dựng hệ sinh thái cho khách Hồi giáo rất đa dạng và đầy đủ nên thu hút khá nhiều khách Hồi giáo trên thế giới đến tham quan, lưu trú. “Đà Nẵng rất có lợi thế, ngoài các chuyến bay từ Malaysia, Singapore và tương lai là Philippines… thì còn có cơ sở dịch vụ tốt, nhất là nền tảng về điểm đến. Bây giờ chỉ cần tập trung, hành động nhanh, nhịp nhàng và chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể đón được dòng khách Hồi giáo”, ông Thủy nói.
Thực tế vài năm gần đây, việc đón khách Hồi giáo cũng đã được một số doanh nghiệp Đà Nẵng, Quảng Nam tính đến. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Tổng Giám đốc khách sạn Furama, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khách Hồi giáo chiếm khoảng 10% trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng mỗi năm, chủ yếu từ Malaysia, Singapore. Riêng tại khách sạn Furama, nhằm phục vụ tốt dòng khách Hồi giáo, doanh nghiệp cũng đã mời chuyên gia về đào tạo cho nhân viên cách đón khách Hồi giáo, kể cả tìm nhà cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal và tuyển dụng đầu bếp nấu món ăn Hồi giáo chuyên biệt.
Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, một số thị trường mới, tiềm năng như Malaysia, Hoa Kỳ, Australia chiếm tỷ trọng khá lớn trong lượng khách quốc tế. Tỉnh hiện đã sẵn sàng đón những dòng khách tiềm năng đến từ Ấn Độ hay các quốc gia Hồi giáo bằng những chuyến bay trực tiếp trong thời gian tới. Đánh giá về thị trường khách này, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, thị trường các quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á và Trung Đông là một trong những thị trường tiềm năng cần được quan tâm triển khai xúc tiến.
Trước đại dịch, hầu như không có thị trường khách Hồi giáo đến du lịch Thừa Thiên - Huế, nhưng từ năm 2022, đã có hàng nghìn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và dòng khách này đang có xu thế tăng trưởng tích cực. Để đón đầu, mới đây, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị “Giới thiệu tiêu chuẩn Halal - Dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo”.
Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận tìm hiểu tổng quan về du lịch Hồi giáo; thực phẩm Halal; các dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo… Qua đó, giúp các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch sẽ có thêm một số thông tin, kiến thực cơ bản để hiểu biết thêm về dòng khách đặc thù này, để từ đó có thêm kinh nghiệm, hình thức phục vụ đáp ứng chuẩn mực và nhu cầu của du khách Hồi giáo cũng như của các du khách đến từ các khu vực khác trên thế giới.
Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), trong năm 2022 người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống dựa trên các nhu cầu tiêu dùng có đạo đức lấy cảm hứng từ đức tin Hồi giáo. Khoản chi tiêu này dự kiến sẽ đạt 2.800 tỷ USD trong năm 2025. Ước tính rằng tài sản tài chính Hồi giáo trên toàn thế giới đạt 3.600 tỷ trong năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 4.900 tỷ USD vào năm 2025.