08:08 22/03/2024

Nhiều dự án BOT giao thông cần ngân sách "cứu nguy"

Ánh Tuyết

Trong tổng số 140 dự án BOT, cả nước hiện có 08 dự án có trạm thu phí vướng mắc, bất cập kéo dài cần sớm tháo gỡ, xử lý. Bộ Giao thông vận tải đề xuất tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cần bố trí để "cứu nguy" 8 dự án này là 10.650 tỷ đồng...

Phương án tài chính nhiều dự án bị phá vỡ do doanh thu thu phí quá thấp, không đủ bù đắp chi và trả nợ ngân hàng.
Phương án tài chính nhiều dự án bị phá vỡ do doanh thu thu phí quá thấp, không đủ bù đắp chi và trả nợ ngân hàng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

NHIỀU TRẠM ĐẶT SAI VỊ TRÍ, NGƯỜI DÂN PHẢN ĐỐI

Giai đoạn từ năm 2020 về trước, chưa có Luật PPP nên việc đầu tư dự án BOT, BT giao thông chủ yếu thực hiện theo các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.

 

Trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực, cả nước đã huy
động khoảng 712.774 tỷ đồng đầu tư 242 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức PPP. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải huy động 226.011 tỷ đồng (31,7%) để đầu tư 72 dự án; địa phương huy động 486.763 tỷ đồng để đầu tư 170 dự án.  Theo loại hợp đồng BOT,  cả nước đã huy động 318.857 tỷ đồng để đầu tư 140 dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do BOT là hình thức đầu tư mới nên quy định pháp luật giai đoạn này chưa lường trước được những tác động của dự án BOT đối với người dân, doanh nghiệp, chưa quy định về đánh giá tác động hay tham vấn các đối tượng bị ảnh hưởng.

Nhiều tình huống phát sinh trong giai đoạn khai thác chưa có quy định điều chỉnh, đặc biệt là chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro khi phát sinh khó khăn, vướng mắc do những nguyên nhân khách quan.

Nêu rõ khó khăn với các dự án BOT giao thông, theo Bộ Giao thông vận tải, các dự án do Bộ quản lý gặp một số vướng mắc về trạm thu phí.

Thứ nhất, có 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án.

(1) Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú hiện đang thu phí ổn định để hoàn vốn tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất di dời trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện đúng theo hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư.

Năm 2018, phát sinh tình trạng người dân tụ tập phản đối; sau khi tuyên truyền, vận động, từ năm 2020 đến nay đã thu phí ổn định.

Tuy nhiên gần đây, Bộ Giao thông vận tải nhận được đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội đề nghị di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài về tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên để thu phí nhằm giảm nguy cơ ùn tắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa dự kiến thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1, vị trí trạm cách phạm vi tuyến tránh khoảng gần 40 km.

Mặc dù dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2018, tuy nhiên do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa được thu phí.

(3) Hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thuộc dự án BOT hầm Đèo Cả.

Trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn, không cân đối đủ để tham gia dự án, cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (hướng tuyến song song với Quốc lộ 1) để hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính khi đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thay vì nhà nước tham gia bằng ngân sách.

Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa cho phép thành lập trạm thu phí do nằm ngoài phạm vi dự án, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thay thế cơ chế hỗ trợ bằng vốn nhà nước.

Thứ hai, có 2 dự án có trạm thu phí thuộc phạm vi dự án nhưng có bất cập nên chưa được thu phí.

(1) Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới dự kiến thu phí tại 2 trạm trên Quốc lộ 3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn.

Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm Quốc lộ 3 chưa được thu phí do người dân chưa đồng thuận do một số phương tiện chỉ sử dụng quãng đường BOT ngắn nhưng vẫn mất phí.

(2) Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 thu phí hoàn vốn tại trạm T1 và trạm T2 đặt trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành, người dân không đồng thuận nên trạm thu phí T2 phải dừng thu phí.

Thứ ba, có 1 dự án đã đầu tư nhưng do quy hoạch thay đổi nên không thể thu phí, đó là dự án BOT cải tạo luồng sông Sài Gòn và xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi dự kiến thu phí các phương tiện tàu thủy để hoàn vốn thông qua 3 cảng đường thủy (các cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc). Đến nay, cầu đường sắt Bình Lợi đã đưa vào khai thác nhưng không thể thu phí tại các cảng đường thủy theo phương án tại hợp đồng do Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

Bên cạnh các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, trước đây một số dự án BOT của địa phương cũng phát sinh những bất cập về trạm thu phí. Hiện còn 02 dự án BOT của 02 địa phương có trạm thu phí bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, địa phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý.

DOANH THU TỤT DỐC, PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH BỊ PHÁ VỠ

Đáng nói, từ những bất cập kể trên, các dự án đều đối diện khó khăn do sụt giảm doanh thu. Chỉ rõ nguyên nhân, Bộ Giao thông vận tải cho biết một, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải, nhiều tuyến đường mới đã được đầu tư; trong đó một số tuyến xây dựng mới song hành hoặc kết nối trực tiếp với các tuyến BOT gây phân chia lưu lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án BOT đang khai thác.

Hai, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án không đạt so với dự báo, dẫn đến nhu cầu vận tải thấp hơn so với dự báo trong hợp đồng.

Ba, dự án chưa được tăng phí dịch vụ do chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Bốn, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Năm, một số dự án cao tốc song hành với các tuyến quốc lộ hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí.

"Trong các nguyên nhân trên, việc đầu tư các tuyến đường mới là nguyên nhân chủ yếu, các nguyên nhân còn lại là thứ yếu và có tính ngắn hạn", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Nhiều dự án BOT giao thông cần ngân sách "cứu nguy" - Ảnh 1

Như biểu đồ phía trên, trong số 66 dự án BOT giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý, hiện có 19 dự án doanh thu đạt từ 30 - 70%. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các dự án chưa được cơ quan nhà nước cho phép tăng phí theo hợp đồng...

"Theo kết quả đánh giá, sau khi tăng phí BOT cuối tháng 12/2023 kết hợp với
lưu lượng gia tăng dịp cận Tết Nguyên đán, doanh thu bình quân các dự án trong tháng 1/2024 tăng khoảng 17% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023, khó khăn về sụt giảm doanh thu đã cải thiện", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

 

Về tình hình doanh thu dự án, lũy kế doanh thu đến tháng 10/2023, trong 53 dự án đang thu, có 4 dự án cao hơn so với hợp đồng, 26 dự án đạt 70 - 100%, 19 dự án đạt 30 - 70% và 4 dự án đạt dưới 30%. Còn lại  8 dự án đã hết thời hạn thu phí, 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa được thu phí, 3 dự án đang đầu tư.

Ngoại trừ 2 dự án doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù đã tăng phí nhưng không có khả năng phục hồi nên cần có giải pháp xử lý.

Theo đó, dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì có lũy kế doanh thu từ thời điểm bắt đầu thu đến hết tháng 10/2303 đạt 33%, tuy nhiên những năm gần đây do nguyên nhân khách quan nên lũy kế doanh thu chỉ đạt 24 - 29%.

Cuối tháng 12/2023 sau khi tăng phí BOT kết hợp với lưu lượng gia tăng dịp cận tết Nguyên đán, doanh thu tháng 01/2024 mặc dù đã tăng 37% so với doanh thu bình quân 12 tháng năm 2023 nhưng vẫn không cải thiện đáng kể do mức sụt giảm quá lớn, không đủ bù đắp chi phí quản lý bảo trì, trả lãi vay. 

Dự án BOT Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889 doanh thu ban đầu ổn định, tuy nhiên đến nay chỉ đạt 35% so với hợp đồng.

Đối với 4 dự án doanh thu đạt nhỏ hơn 30%, nguyên nhân chủ yếu do chưa được thu phí,  phải tạm dừng thu phí, phân lưu với đường song hành. Đến nay còn 02 dự án còn lại không có khả năng cải thiện doanh thu nên cần có giải pháp xử lý.

Theo đó, dự án BOT cầu Thái Hà có doanh thu chỉ đạt khoảng 17% so với hợp đồng. Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 doanh thu chỉ đạt 17% so với hợp đồng do tình hình an ninh trật tự phức tạp, nhà đầu tư không thu phí tại Trạm Quốc lộ 3, hầu hết các phương tiện lựa chọn Quốc lộ 3 để không mất phí.

Ngoài ra, theo số liệu tổng hợp, các địa phương đã triển khai khoảng 74 dự án BOT, hầu hết các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư.

Đến nay, chưa có số liệu chi tiết về doanh thu của các dự án BOT do địa phương quản lý song theo báo cáo của các địa phương, trong quá trình khai thác, do một số nguyên nhân khách quan dẫn tới dự án BOT bị sụt giảm doanh thu so với dự báo trong hợp đồng.

Theo ghi nhận, những khó khăn, vướng mắc của dự án BOT giao thông hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khai thác của dự án nhưng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.

Do doanh nghiệp chưa được thu phí, hoặc doanh thu thu phí quá thấp không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì, thanh toán lãi vay theo hợp đồng tín dụng. Một số doanh nghiệp BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay nên ngân hàng cơ cấu lại khoản vay, chuyển nhóm nợ. Các ngân hàng phải trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng và hoạt động doanh nghiệp dự án.

Đáng nói, các thế lực thù địch lợi dụng những tồn tại, bất cập của dự án để kích động, gây rối mất an ninh, trật tự, xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng. 

 

Trên cơ sở kết quả thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc 08 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, chia làm 03 nhóm như sau:

Nhóm 1: Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 02 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi. Nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để hỗ trợ khoảng 1.557 tỷ đồng.

Nhóm 2: Điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước đối với dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Nhu cầu vốn nhà nước bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng.

Nhóm 3: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 05 dự án (gồm 02 dự án đã hoàn thành không được thu phí; 02 dự án chỉ được thu phí 1 trạm trong 02 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi; 01 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự). Nhu cầu vốn nhà nước bố trí để thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.813 tỷ đồng. 

Nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để xử lý 08 dự án BOT khoảng 10.650 tỷ đồng. Về nguồn vốn, kiến nghị sử dụng nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023. Việc xử lý phải bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.