14:00 26/08/2024

Nhìn lại nguồn tài lực quốc gia sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 39

Ánh Tuyết

Nhằm củng cố nguồn tài lực, tiềm lực nền tài chính quốc gia, ngành tài chính đạt được nhiều kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW. Nổi bật là thu ngân sách vượt dự toán nhiều năm dù quy mô giảm, giãn thuế, phí lớn kỷ lục; nợ công cách xa mức trần, tạo dư địa tăng chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu...

Quy mô giảm, giãn thuế, phí lên gần 200.000 tỷ đồng/năm, với quy mô và phạm vi hỗ trợ lớn chưa từng có.
Quy mô giảm, giãn thuế, phí lên gần 200.000 tỷ đồng/năm, với quy mô và phạm vi hỗ trợ lớn chưa từng có.

5 năm triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (Nghị quyết số 39) cũng là khoảng thời gian cả thế giới và trong nước trải qua rất nhiều biến động, biến cố, từ thiên tai, địch họa đến dịch bệnh.

Chia sẻ tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cho biết thời gian vừa qua, Bộ Tài chính kiên trì thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, với quy mô giảm, giãn thuế, phí lên gần 200.000 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước, có năm khoảng 11% tổng thu. Đây là gói hỗ trợ với quy mô và phạm vi lớn chưa từng có, góp phần đưa nền kinh tế vượt khó. 

VƯỢT DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHIỀU NĂM LIÊN TIẾP

Dù quy mô các giải pháp gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí tiền thuê đất lớn, song thu ngân sách nhà nước những năm qua đều vượt dự toán, qua đó đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh.

Để đảm bảo nguồn lực ngân sách, tài chính công trong bối cảnh gói hỗ trợ ở mức kỷ lục, theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Bộ Tài chính đã chủ động, tham mưu trình Chính phủ rất nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước.

Điểm nhấn là phủ sóng triển khai hóa đơn điện tử toàn quốc từ ngày 1/7/2022, nhờ đó bao quát được nhiều khoản thu. Nếu năm 2022, cơ quan thuế chỉ tiếp nhận khoảng 2,1 tỷ hóa đơn điện tử thì đến nay, con số này lên tới gần 8,8 tỷ hóa đơn. Những giải pháp tăng cường quản lý hóa đơn điện tử trong lĩnh vực xăng dầu, nhà hàng, khách sạn được đẩy mạnh.

Dù gặp nhiều phản ứng từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng tính đến ngày 10/4/2024, các cửa hàng xăng dầu trên cả nước đều phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán, đây là sự cố gắng rất lớn của ngành thuế và ngành tài chính, giúp quản lý doanh thu lĩnh vực này tốt hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế đẩy mạnh thu thuế qua hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài như: YouTube, Google, Facebook, TikTok... nộp thuế, với số thu khoảng 15.600 tỷ đồng. Sau đó, cơ quan thuế tiếp tục tìm cách thu từ sàn thương mại điện tử trong nước. 

Với tốc độ phát triển rất nhanh, khoảng 16-30%/năm, thị trường thương mại điện tử có quy mô 20,5 tỷ USD song điều khó nhằn nhất là thu nhập dữ liệu. Do đó, Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng thương mại thu nhập dữ liệu từ hơn 900 sàn giao dịch thương mại điện tử, 284 ứng dụng bán hàng trên mạng và hơn 140 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân.

Hiện nay Bộ Tài chính đang đẩy mạnh Đề án 06 nhằm kết nối dữ liệu cơ quan thuế và dữ liệu dân cư của Bộ Công an, góp phần tăng cường quản lý thu nhập và chống thất thu thuế.

Nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền và một loạt chính sách, ông Quỳnh cho biết thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt 50.000 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2024, với nhiều hứa hẹn tăng thu từ lĩnh vực tiềm năng này. 

Nhìn lại nguồn tài lực quốc gia sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 39 - Ảnh 1

Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, trong đó, tập trung ngăn chặn hành vi lợi dụng hóa đơn điện tử để trục lợi thông qua áp dụng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử sử dụng công nghệ AI, Big Data.

Từ những nỗ lực trên, giai đoạn 2021-2023, thu ngân sách đều vượt dự toán. Trong đó, năm 2021 vượt 233.000 tỷ đồng, năm 2022 vượt 406.000 tỷ đồng và năm 2023 vượt khoảng 133.000 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.180 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng trưởng.

Như vậy, quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2019-2023 đạt khoảng 8,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ động viên ngân sách giai đoạn 2019-2020 đạt khoảng 24,8% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (tương ứng từ 20-21% GDP và 23,5% GDP). Còn tỷ lệ động viên ngân sách 2021-2023 đạt 18,4% GDP do tính theo GDP điều chỉnh.

ƯU TIÊN CHI NGÂN SÁCH CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Tính chung tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2019-2023 đạt 8,8 triệu tỷ đồng. Quy mô chi ngân sách nhà nước trung bình giai đoạn 2019-2020 là 26,2% GDP, giai đoạn 2021-2023 là 19,7% GDP điều chỉnh.

Công tác chi ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi cho con người. Đặc biệt, trong năm 2024, ngân sách tích lũy khoảng 700.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để tăng lương cơ sở.

 
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).

“Về phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2019-2023 theo Nghị quyết số 39, nguồn lực đầu tư công được tăng mạnh, với mức chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tăng qua các năm, riêng năm 2023, vốn đầu tư công ở mức kỷ lục khoảng 725.000 tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 27,6% (2019) lên 34,4% (2023); tỷ lệ giải ngân đầu tư công bình quân đạt 91,1% kế hoạch”. 

Cũng theo ông Nguyễn Như Quỳnh, bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 khoảng 3,5% GDP, thấp hơn so với dự toán Quốc hội giao là 4,42% GDP. Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, thấp hơn nhiều so với mức trần, ngưỡng được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Đến cuối năm 2023, dư nợ công tương ứng 37% GDP, dư nợ Chính phủ 34% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 33,5% GDP và đạt mục tiêu trong Nghị quyết số 39 đề ra.

“Trong thời gian tới, Chính phủ có cơ sở, có dư địa và nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Công tác cơ cấu lại nợ công được đẩy mạnh cùng với kiểm soát chặt chẽ các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo không gian tài khóa hỗ trợ tích cực cho đầu tư phát triển, phục hồi nền kinh tế. Về xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Moody’s và S&P giữ xếp hạng Việt Nam lần lượt ở mức Ba2 và BB+/B với triển vọng ổn định, Fitch nâng xếp hạng lên mức BB+ với triển vọng ổn định. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tốt, tạo thuận lợi cho công tác đi vay của Chính phủ.

Công tác phát hành Trái phiếu chính phủ cũng gắn chặt với công tác tái cơ cấu nợ của Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và đa dạng hóa các nhà đầu tư để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công. Giai đoạn 2019-2023 đã phát hành 1.404 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những điểm tích cực, theo lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, công tác quản lý nợ công gặp rủi ro liên quan đến tình hình thế giới do việc thắt chặt chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và gây áp lực trả nợ trong tương lai. Những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế cũng gây nhiều thách thức, khi đồng USD tăng giá so với VND dù Việt Nam có mức mất giá thấp so với nhiều đồng tiền trong khu vực.

NHỮNG TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC

Chỉ rõ những bất cập, vướng mắc còn tồn tại, đại diện Bộ Tài chính cho rằng công tác triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm, kéo dài. Tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý đảm bảo cân đối ngân sách...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2024 phát hành ngày 26/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhìn lại nguồn tài lực quốc gia sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 39 - Ảnh 2