Nhìn nhận về tính pháp lý của Hội đồng sáng lập doanh nghiệp
Câu chuyện của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC, HoSE) diễn ra vào ngay những ngày đầu năm 2023 khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt trong đó có việc xây dựng quy chế Hội đồng sáng lập– một thuật ngữ khá mới mẻ với nhiều người.
Nghị quyết số 51/2022 của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng sáng lập.
Theo Quy chế này, Hội đồng sáng lập là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và Ban Điều hành công ty về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của công ty nhằm đảm bảo thương hiệu công ty giữ vị trí số một trong ngành xây dựng Việt Nam. Hội đồng sáng lập làm việc theo nguyên tắc đồng thuận và có từ 5 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng sáng lập.
Hội đồng sáng lập có các quyền và nghĩa vụ sau:
Thứ nhất là tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT, Ban điều hành các vấn đề đầu tư, kinh doanh quan trọng nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông; đảm bảo sự hài hòa, công bằng với lợi ích của các bên khác;
Thứ hai là cử Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập tham dự các phiên họp của HĐQT.
Thứ ba là Hội đồng sáng lập có thể yêu cầu làm việc, trao đổi, chất vấn trực tiếp các thành viên HĐQT, Ban điều hành về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy chế.
Thứ tư là tại cuộc họp HĐQT cần có sự tán thành của Hội đồng sáng lập để thông qua các vấn đề gồm thay đổi mục tiêu, định hướng, chiến lược quan trọng của công ty; sửa đổi Điều lệ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; tất cả hợp đồng mua bán, sáp nhập và đầu tư lớn hơn 100 tỷ đồng; việc phát sinh của bất kỳ công ty nào thuộc tập đoàn đối với bất kỳ khoản nợ nào hoặc việc cấp bất kỳ bổ nhiệm hoặc thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên và công ty liên kết…
Đối với Chủ tịch Hội đồng Sáng lập có các quyền và nghĩa vụ như lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng sáng lập; thay mặt Hội đồng sáng lập ký các văn bản Hội đồng sáng lập; giới thiệu, bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng sáng lập khi đáp ứng một trong các tiêu chuẩn là cá nhân có uy tín, có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển của công ty và không tham gia điều hành hoặc là thành viên HĐQT/Ban điều hành của các công ty khác có cùng ngành kiinh doanh và cạnh tranh với công ty.
Cũng theo quy chế, Hội đồng sáng lập có thể được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng sáng lập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của ít nhất 2 thành viên Hội đồng sáng lập.
Cuộc họp Hội đồng sáng lập được tiến hành khi có ít nhất từ một phần hai tổng số thành viên trở lên dự họp. Chủ tọa cuộc họp là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch. Nghị quyết của Hội đồng sáng lập được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận.
Về việc phối hợp công tác, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch HĐQT sẽ cùng thảo luận về việc giữ chức danh không quá 2 nhiệm kỳ, với thời hạn mỗi nhiệm kỳ là 5 năm đối với vị trí Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT sẽ cùng thảo luận nhằm thống nhất các giải pháp chung đối với các vấn đề trọng yếu của công ty. Hai bên sẽ thống nhất về tài chính để tổ chức các sự kiện.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, có thẩm quyền thông qua định hướng phát triển công ty mà không có giới hạn nào. Còn HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty và không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Luật sư Hồ Hữu Hoành – Giám đốc Hãng luật Saigonmind cho rằng, pháp luật không có bất kỳ quy định về Hội đồng sáng lập, và Hội đồng sáng lập không phải là cơ cấu, tổ chức quản lý, điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp bên cạnh Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban Kiểm soát.
Với vai trò cố vấn, tham vấn, thì Hội đồng sáng lập mang tính biểu tượng, một bộ phận chuyên môn – nghiệp vụ của doanh nghiệp, thì sẽ không phải là vấn đề pháp lý phát sinh. Nhưng nếu Hội đồng sáng lập can thiệp vào quyết định, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT thì như vậy sẽ vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của cổ đông.