11:30 04/08/2023

Những điểm sáng thị trường khi doanh số bán hàng xa xỉ đã “bình thường hóa”

Minh Nguyệt

Các số liệu tài chính nửa đầu năm của hầu hết các tập đoàn xa xỉ toàn cầu đã được công bố. Trừ Hermès, các giám đốc điều hành đều cho rằng thị trường Mỹ là một “vùng tối”, với doanh số bán hàng sụt giảm sau thời kỳ “mua sắm trả thù”...

Ảnh: Brand Equity
Ảnh: Brand Equity

Ngành công nghiệp xa xỉ chỉ cần nhìn vào thu nhập quý 2 từ các công ty lớn như LVMH, Kering, Prada, Zegna và Hermès là đã đủ thấy lĩnh vực này đang hoạt động như thế nào trong bối cảnh chi tiêu của các khách hàng sụt giảm.

NHỮNG CÁI TÊN “ĐÁNH BẠI” GIỚI PHÂN TÍCH

“Ông lớn” LVMH đưa ra câu trả lời đầu tiên, với nhóm hàng thời trang và đồ da vẫn tăng trưởng 21% trong quý 2, nhờ động lực tăng trưởng ở Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như sự quay trở lại của chi tiêu du lịch ở châu Âu. Nhưng kết quả tổng thể không đáp ứng được kỳ vọng và doanh số bán hàng tại Mỹ quý 2 đã giảm 1%.

Đối với Kering, tin tức còn tồi tệ hơn. Gucci chỉ tăng trưởng 1% trong quý 2, thấp hơn kỳ vọng 4,2% của các nhà phân tích. Saint Laurent và Bottega Veneta cũng cho thấy mức tăng trưởng chậm lại lần lượt là 7% và 3%. Và doanh thu từ “các thương hiệu khác” của Kering - bao gồm Balenciaga đang chịu khủng hoảng - thực tế đã giảm 1%. Nhưng những kết quả mờ nhạt này đã bị lu mờ bởi thông báo rằng Kering mua 30% cổ phần của Valentino với giá 1,7 tỷ Euro (1,9 tỷ USD). Tập đoàn này có vẻ sẽ củng cố danh mục thương hiệu xa xỉ của mình để thúc đẩy tăng trưởng trong quý tiếp theo.

Hermès là công ty tiếp theo báo cáo kết quả của mình trong tuần này, nhưng đã đứng đầu trong bảng xếp hạng. Tập trung vào những khách hàng có thu nhập cao, thương hiệu siêu sang đã vượt qua tất cả các đối thủ và kỳ vọng, mang lại mức tăng trưởng hữu cơ 27,5% trong quý 2, bao gồm mức tăng trưởng hơn 20% tại thị trường Hoa Kỳ.

Kết quả tổng thể của LVMH nửa đầu năm không đáp ứng được kỳ vọng.
Kết quả tổng thể của LVMH nửa đầu năm không đáp ứng được kỳ vọng.

Bên cạnh đó, một số thương hiệu nhỏ hơn cũng đã mang đến kết quả khả quan trong nửa đầu năm. Miu Miu, thương hiệu thường được coi là thấp hơn một bậc so với Prada, đã mang lại mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt trội 50% trong nửa đầu năm. Có vẻ như Miuccia Prada cũng đang dồn nhiều tâm sức hơn vào thương hiệu này khi bà chia sẻ quyền giám đốc sáng tạo của Prada với Raf Simons. Thêm vào đó, bà đã quyết định đã hợp tác với stylist Lotta Volkova để làm mới hình ảnh Miu Miu. 

Tập đoàn Ermenegildo Zegna cũng đã có một quý tuyệt vời, mang lại mức tăng trưởng 35,1% so với năm trước, đồng thời giành được thị phần tại Mỹ khi xu hướng “xa xỉ thầm lặng” vẫn được ưa thích. Thương hiệu này không được mong muốn theo cách giống như Dior hay Vuitton (mọi người đều muốn khoe logo của các thương hiệu này), và do đó ít bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nhu cầu mua sắm tại Hoa Kỳ. Chỉ một vài năm trước, thương hiệu này giống như một thương hiệu may đo lỗi thời dành cho các ông bố. Giờ đây, nó đã có vị trí vững chắc là công ty dẫn đầu thị trường về trang phục nam giới, ngang với Tom Ford và Thom Browne.

Đáng ngạc nhiên hơn cả, Moncler đã đánh bại các ước tính của giới phân tích và dập tắt những lo âu của thị trường với doanh thu tăng 24% trong nửa đầu năm, lần đầu tiên mang lại hơn 1 tỷ Euro. Hiện không còn nghi ngờ gì nữa, Moncler vẫn giữ vị trí là thương hiệu quần áo khoác ngoài sang trọng hàng đầu trong ngành, vị trí mà Burberry đã từng nắm giữ.

Doanh thu hợp nhất của Hermès trong nửa đầu năm 2023 lên tới 6.698 triệu euro, tăng 25% theo tỷ giá hối đoái cố định.
Doanh thu hợp nhất của Hermès trong nửa đầu năm 2023 lên tới 6.698 triệu euro, tăng 25% theo tỷ giá hối đoái cố định.

Với ngành làm đẹp, doanh thu của L'Oréal  đã tăng lên 20,57 tỷ Euro, tương đương 22,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Kết quả báo cáo cũng cho thấy hoạt động kinh doanh ở thị trường châu Âu đang bùng nổ, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đạt được những thành tựu. Ngoài mức tăng trưởng ấn tượng, bộ phận xa xỉ của thương hiệu thậm chí còn thành công hơn, “vượt trội hơn thị trường nước hoa cao cấp với kết quả tăng trưởng hai con số”.

LOẠT TIN TỐT TRONG NỬA ĐẦU NĂM

Tin tốt nhất cho tính bền vững của ngành thời trang và những khách hàng cổ vũ mua sắm có đạo đức là việc các Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp 27 nước thành viên Liên minh châu Âu hồi tháng 5 đã thống nhất sẽ áp dụng quy định cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được.

Trong thời gian tới, quy định mới yêu cầu từng sản phẩm dệt may bán ở thị trường châu Âu phải gắn mã QR chứa đầy đủ thông tin từ nguồn gốc, chất liệu làm sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không, có khả năng tái chế không. Với mã QR này, cơ quan chức năng của các nước thành viên sẽ quản lý việc sản phẩm đã được bán hay vẫn tồn kho.

Đến năm 2026, thế hệ Gen Y và Gen Z dự kiến sẽ chiếm 75% số lượng người mua hàng hóa xa xỉ. Những vị khách trẻ tuổi khó tính, chi tiêu mạnh tay này đang định hình lại thị trường cao cấp và tạo ra các xu hướng mới như bán lại và cho thuê hàng hóa. Theo báo cáo True-Luxury Global Consumer Insight 2023 của BCG và Quỹ Altagamma, Gen Y và Gen Z chi tiêu nhiều hơn 15% so với các nhóm tuổi khác, nên sẽ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành.

Người tiêu dùng đang ngày càng mua nhiều mặt hàng nước hoa và mỹ phẩm đắt tiền hơn.
Người tiêu dùng đang ngày càng mua nhiều mặt hàng nước hoa và mỹ phẩm đắt tiền hơn.

Về phía các doanh nghiệp, Adidas hiện ngập trong đơn đặt hàng trị giá 565 triệu đô la cho những đôi giày Yeezy chưa bán được. Tạp chí Business of Fashion cho biết, Adidas bắt đầu thanh lý số lượng lớn giày Yeezy còn sót lại sau sự sụp đổ của mối quan hệ hợp tác với Kanye West. Và có vẻ như những người hâm mộ Yeezy sẵn sàng bỏ qua những sai lầm của người tạo ra nó để chộp lấy cơ hội được sở hữu những đôi giày thể thao sẽ không bao giờ được sản xuất lại. Riêng trong quý 2 vừa qua, doanh số bán dòng giày Yeezy vào khoảng 400 triệu Euro (437 triệu USD), giúp Adidas giảm bớt khoản lỗ dự kiến 700 triệu Euro trong năm 2023 xuống còn 450 triệu Euro.

Tập đoàn thời trang xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH sẽ là "nhà tài trợ cấp cao" của Olympic Paris 2024. Thông báo về hợp đồng tài trợ được đưa ra chỉ vài tuần sau khi thương hiệu lớn nhất của tập đoàn, Louis Vuitton, công bố nhà vô địch quần vợt Carlos Alcaraz là đại sứ thương hiệu mới nhất của mình. Khi thế giới thể thao tự cho thấy mình là một thị trường ngày càng phong phú cho các thương hiệu cao cấp, những nỗ lực của LVMH trong lĩnh vực này đã tăng lên quy mô toàn tập đoàn. 

Cuối cùng, lĩnh vực mỹ phẩm xa xỉ đang chứng kiến những cuộc đua M&A. L'Oréal và Kering đã mua thương hiệu Aesop và Creed với giá lần lượt là 2,5 tỷ USD và 3,83 tỷ USD. Theo dữ liệu từ NPD Group, doanh số nước hoa cao cấp tại Mỹ tăng không chỉ nhờ giá sản phẩm cao hơn mà số lượng chai nước hoa được bán ra cũng nhiều hơn gần một phần tư so với trước đại dịch. Sue Nabi, Giám đốc điều hành Coty cho rằng người tiêu dùng đang ngày càng mua nhiều mặt hàng nước hoa và mỹ phẩm đắt tiền hơn.