06:00 12/09/2021

Những nghị quyết “bất thường” trong chống dịch Covid-19

Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, số doanh nghiệp đăng ký mới thấp hơn so với số doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh và giải thể. Sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn và lún sâu hơn vào khó khăn sau đợt dịch Covid-19 thứ tư. Thực tế này đang đòi hỏi sự ứng xử chính sách chưa từng có tiền lệ, thậm chí là bất thường để “phản ứng” nhanh với đại dịch...

Quốc hội khóa XV vừa qua đã thực hiện một số việc để phản ứng nhanh với đại dịch Covid, như việc thông qua nhanh Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ tịch Quốc hội thúc giục Chính phủ “xé rào”.
Quốc hội khóa XV vừa qua đã thực hiện một số việc để phản ứng nhanh với đại dịch Covid, như việc thông qua nhanh Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ tịch Quốc hội thúc giục Chính phủ “xé rào”.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta biết rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã có những gói chi ngân sách rất mạnh để hỗ trợ nền kinh tế. 

Tuy vậy, chắc ít người biết được rằng nhiều chính phủ đã không có sự chuẩn bị tốt khi dịch bùng phát mạnh giai đoạn đầu, nhưng... rồi sau đó đã kịp thời sửa sai.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã có một đúc kết quan trọng là cơ quan lập pháp ở nhiều nước có một vai trò rất quan trọng trong việc triển khai ngân sách chống dịch hiệu quả.

PHẢN ỨNG "NHANH" CỦA CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP

Ai cũng biết vai trò quan trọng của Quốc hội là giám sát Chính phủ, và việc giám sát này được yêu cầu chặt chẽ và toàn diện. Nhưng những gì mà Quốc hội nhiều nước trong khối OECD đã làm cho thấy cơ quan này đã rất nhanh nhạy, linh động và sát cánh cùng Chính phủ trong việc xử lý khủng hoảng do đại dịch gây ra. Theo đó, phần lớn các quốc gia này thực hiện quy trình phê duyệt ngân sách nhanh gọn và có bổ sung thêm nhằm phản ứng nhanh với những gì đang diễn ra.

TS. Võ Đình Trí.
TS. Võ Đình Trí.

Điều đầu tiên là Quốc hội phê duyệt các ngân sách bổ sung để cung cấp cho các khoản chi ngoài kế hoạch và khẩn cấp. Ví dụ như Hàn Quốc lần này đã duyệt ngân sách bổ sung là lần thứ ba trong vòng 50 năm qua và đây cũng là khoản lớn nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, việc phân bổ tạm thời lại ngân sách giữa các chương trình cũng được thực hiện. Nhiều nước như Áo, Pháp, Thụy Điển đã thực hiện chiến thuật này tuy nhiên do nhu cầu ngân sách cho Covid-19 quá lớn nên việc tái phân bổ là không đáp ứng được nhu cầu.

Quốc hội một số nước cũng đã phê duyệt việc sử dụng các quỹ dự phòng quốc gia (contingency reserves and rainy-day funds) để hỗ trợ nền kinh tế và chống lại Covid. Một ví dụ là chính phủ Na Uy đã đề nghị Quốc hội cho phép rút một phần từ quỹ đầu tư của quốc gia này (sovereign wealth fund) một khoản kỷ lục và đã được Quốc hội thông qua sau khi được các đảng trong Quốc hội đều nhất trí.

Thậm chí, một số nước còn tạm thời vô hiệu các quy định về ngân sách do các quy định về ngân sách thường có giới hạn và áp dụng trong các điều kiện bình thường. Bởi vì sự chặt chẽ của luật ngân sách, chẳng hạn như quy định giới hạn tối đa mức thâm hụt ngân sách theo một tỷ lệ của GDP, mà Chính phủ không thể vay hay mạnh tay chi thêm. Nước Đức trong điều kiện bình thường không cho chính quyền liên bang thâm hụt hơn 0,35% GDP nhưng trong đại dịch, Quốc hội đã chấp thuận cho vượt trần vì “những tình huống ngoại lệ”.

Điều thứ hai quan trọng là các quy trình ngân sách được phê duyệt và triển khai đồng thời (improvised budget procedure). Nhiều quốc gia đã ban hành tình trạng khẩn cấp không chỉ để thực hiện các chính sách giới nghiêm mà qua đó còn tăng quyền cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách theo luồng nhanh (fast-tracked) hay rút gọn các quy trình phê duyệt ở Quốc hội hay không cần sự thông qua của Quốc hội.

Ngoài ra, một số thủ tục liên quan đến ngân sách mà Chính phủ phải thực hiện lúc bình thường như lập báo cáo ngân sách, báo cáo trước Quốc hội, dự báo kinh tế ngân sách trung hạn cũng được giản lược hoặc bỏ qua. Bởi vì các cơ quan Quốc hội cũng biết rằng trong tình trạng khẩn cấp, việc tạm thời bỏ qua các thủ tục này là cần thiết.

Cuối cùng, vai trò của các ủy ban độc lập trong Quốc hội là rất đáng kể trong việc giúp các nhà lập pháp thông qua các đề xuất của Chính phủ. Các ủy ban này đều có các đơn vị nghiên cứu để cung cấp các phân tích ngân sách kịp thời, đưa ra các chuỗi báo cáo cũng như tóm tắt (factsheets and briefings).

Ở nhiều nước OECD, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2018 đã lập ra các đơn vị độc lập trong Quốc hội để nghiên cứu giám sát vấn đề ngân sách và tài khóa. Cụ thể một số công việc mà các đơn vị này làm như: cung cấp nhanh các phân tích về tác động ngân sách và kinh tế của đại dịch, giám sát việc kích hoạt và thực thi quyền tạm hoãn luật ngân sách của chính phủ, tính toán chi phí của việc ban hành các chính sách khẩn cấp, và thúc đẩy sự minh bạch tin cậy của các quy trình khẩn cấp.

QUỐC HỘI NÊN NHANH GỠ ĐIỂM NGHẼN NGÂN SÁCH

Quốc hội khóa XV vừa qua đã thực hiện một số việc để phản ứng nhanh với đại dịch Covid, như việc thông qua nhanh Nghị quyết số 30/2021/QH15, Chủ tịch Quốc hội thúc giục Chính phủ “xé rào”, hay sáng kiến lập pháp tức thời như là trường hợp “improvised” của các nước OECD đã trình bày ở trên.

Tuy vậy vấn đề ngân sách cho phòng chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế vẫn chưa được tiếp cận một cách trực tiếp. Mặc dù Chính phủ được thúc giục xé rào nhưng hiện nay Chính phủ vẫn đang bị vướng nguồn ngân sách và giải ngân nhanh.

Cụ thể, Chính phủ vẫn bị khống chế mức trần ở bội chi ngân sách 4% và lạm phát cũng ở 4%. Nếu không có chính sách khẩn cấp gỡ bỏ hai “vòng kim cô” này thì Chính phủ vẫn không thể xé rào được, chẳng hạn để tăng nợ công và mạnh tay chi hơn. Mà muốn vậy, các quy trình phê duyệt, báo cáo, giải trình cần được đơn giản và rút ngắn nhất có thể, cũng có thể như một số nước OECD tạm thời vô hiệu hóa Luật Ngân sách.

Việt Nam vẫn còn khả năng vay thêm nợ trong nước và quốc tế, và khả năng bội chi tăng thêm 2-3% là vẫn có thể chấp nhận được khi so với nhiều nước có tỷ lệ bội chi lên mức xoay quanh 10% GDP. Đó là chưa kể quy mô GDP của Việt Nam từ khi tính lại thì 1% cũng là con số đáng kể.

Việc tái phân bổ các chương trình ngân sách nhiều khả năng sẽ không có hiệu quả cao như thực tế nhiều nước đã từng làm, nên không có cách nào hơn là phải phê duyệt nhanh các chương trình ngân sách bổ sung. Dĩ nhiên, chức năng giám sát của Quốc hội phải luôn được duy trì và việc thông qua các đề xuất khẩn cấp của Chính phủ là minh bạch, dựa trên sự đồng thuận của các đại biểu. Trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn bộ, Quốc hội một số nước vẫn thực hiện họp trực tuyến, các ủy ban làm việc từ xa.

Một điểm cũng quan trọng không kém là các ủy ban phụ trách vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách, tài khóa cần tích cực trong việc cung cấp các báo cáo nghiên cứu độc lập đánh giá tác động, các dự báo cũng như giám sát việc thực thi tạm hoãn luật ngân sách nếu điều này xảy ra.

Như vậy, nếu Quốc hội đẩy nhanh các chương trình ngân sách bổ sung, từ phê duyệt đến triển khai, và có những nghiên cứu báo cáo độc lập thì Chính phủ sẽ có thêm nguồn lực để chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế. Người dân và doanh nghiệp chắc hẳn sẽ đồng tình với các chính sách chưa có tiền lệ để ứng phó với các tình huống ngoại lệ. Và với vai trò đại diện cho tiếng nói của người dân, Quốc hội cần sớm có những Nghị quyết bất thường.

---------

(*) Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global