09:54 19/09/2024

Những nguyên nhân khiến doanh nghiệp và người lao động khó kết nối với nhau

Nhật Dương

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp và người lao động không kết nối được với nhau. Các chuyên gia nhân sự góp ý ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...

Doanh nghiệp kết nối tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.
Doanh nghiệp kết nối tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.

Các thị trường lao động lớn hiện đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc khó khăn trong kết nối với người lao động vẫn là câu chuyện nan giải. 

NHỮNG THÁCH THỨC PHỔ BIẾN DOANH NGHIỆP GẶP PHẢI KHI TUYỂN DỤNG

Chia sẻ tại tọa đàm Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn mới đây, ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, cho biết thị trường lao động TP. HCM trong 9 tháng năm 2024 có xu hướng phát triển tích cực.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản. Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing,…Đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.

Trong 9 tháng qua, Trung tâm đã thực hiện khảo sát 52.175 lượt doanh nghiệp – 230.378 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 70,12%; theo sau là khu vực công nghiệp - xây dựng; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Một số ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao từ đầu năm đến nay, gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông…

Trên cơ sở kết quả khảo sát cung - cầu lao động 9 tháng qua, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2024 cần khoảng từ 78.120 – 83.328 lao động.

Còn tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng dự báo, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời gian tới như: Bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Nhu cầu tuyển dụng tăng, song thực tế các doanh nghiệp đang gặp không ít thách thức trong vấn đề tuyển dụng. Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt, kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng có 3 thách thức lớn nhất trong tuyển dụng nhân sự số lượng lớn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Trước hết là hiệu suất tuyển dụng. Việc sàng lọc hồ sơ ứng viên chưa được tối ưu hóa. Theo số liệu thống kê trên nền tảng này, 40% nhà tuyển dụng chia sẻ phải mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc, do hồ sơ ứng viên không đầy đủ.

Thứ hai là sự phù hợp yêu cầu của ứng viên. Chỉ 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm, và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra.

Thứ ba là sự cạnh tranh của các công ty trong ngành. Việc điều chỉnh mức lương, thưởng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để thu hút ứng viên.

Đáng chú ý, nhu cầu của người lao động hiện nay cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, lương thưởng, môi trường, quan hệ với đồng nghiệp là top 3 tiêu chí lựa chọn công việc của người lao động.

CẦN THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC TUYỂN DỤNG PHÙ HỢP

Nói về lý do có trở ngại kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNNH Công nghệ Vua Thợ, nhận thấy có những khó khăn về mặt địa lý, di chuyển tại các thành phố lớn, còn người lao động phổ thông đa số ở nông thôn. “Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất gay gắt. Thiếu thông tin, thiếu công nghệ làm kết nối cung cầu khó khăn”, bà Hoa cho hay.

Phỏng vấn lao động để lựa chọn nhân sự phù hợp. Ảnh: N.Dương.
Phỏng vấn lao động để lựa chọn nhân sự phù hợp. Ảnh: N.Dương.

Ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông Thương hiệu Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè cũng thông tin thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng của công ty tăng cao và gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng. Điều ông nhận thấy rõ nhất là nhóm lao động trẻ không mặn mà với những công việc như sản xuất.

“Trước đây, những doanh nghiệp thâm dụng lao động được xem là thế mạnh nhưng hiện nay không còn nữa. Chúng tôi gần như làm tất cả những gì có thể để thu hút tuyển dụng, kể cả đến các Trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín,... nhưng cũng không hiệu quả”, ông Nam nêu thực tế.

Vì thế, theo ông Nam, cách tuyển dụng hiệu quả hiện nay là thông qua thương hiệu, tìm đúng người, qua giới thiệu giữa người lao động với nhau. Mặt khác, kênh qua cổng thông tin của doanh nghiệp nếu có chiến lược truyền thông tốt cũng thu hút được người lao động.

Dưới góc độ nền tảng kết nối tuyển dụng, ông Nguyễn Trọng Tấn, Tổng Giám đốc Chợ Tốt chia sẻ trên nền tảng Việc Làm Tốt hiện có hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng, và điều dễ thấy là các doanh nghiệp tuyển nhiều, liên tục. Số lượng ứng tuyển cũng rất lớn.

Tuy nhiên, theo quan sát của đơn vị này, các doanh nghiệp khi đăng tuyển hay dùng từ làm bó hẹp khả năng của ứng viên. “Chẳng hạn dùng từ "tuyển lao động phổ thông", "tuyển công nhân", như vậy rất dễ đánh vào tâm lý của người lao động”, ông Tấn nói và cho rằng các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược tuyển dụng để thu hút ứng viên.

Bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia cũng thừa nhận thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, ví dụ như các đơn vị trong ngành may mặc đã gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự. 

Theo bà, về nguyên nhân có rất nhiều, nhưng một phần đến từ thái độ của chính người lao động. Nhiều người lao động không có sự cam kết chặt chẽ với doanh nghiệp, họ dễ dàng rời bỏ doanh nghiệp vì rất nhiều lý do chủ quan, lẫn khách quan. 

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, bà Tú Anh cho rằng cần có hệ thống thông tin dữ liệu người lao động chuẩn, chính xác để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong nắm bắt và tuyển dụng, đồng thời sẽ nâng cao ý thức của người lao động ứng tuyển khi vào làm việc.