06:21 25/12/2014

Nợ xấu: “Khách có tiền vẫn không chịu trả”

Minh Đức

Ngân hàng phản ánh doanh nghiệp vay vốn có tiền, hoạt động bình thường nhưng không chịu trả nợ

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước định hướng kiểm soát 
tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%; tín dụng tăng trưởng 
khoảng 13 - 15%; giảm được nợ xấu về dưới 3%; tiếp tục ổn định tỷ giá; 
thực hiện các giải pháp về lãi suất và tín dụng để tăng hỗ trợ doanh 
nghiệp.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước định hướng kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%; tín dụng tăng trưởng khoảng 13 - 15%; giảm được nợ xấu về dưới 3%; tiếp tục ổn định tỷ giá; thực hiện các giải pháp về lãi suất và tín dụng để tăng hỗ trợ doanh nghiệp.
Các định hướng cơ bản cho năm 2015 đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội nghị toàn ngành, hôm 25/12.

Đó là: kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%; tín dụng tăng trưởng khoảng 13 - 15%; giảm được nợ xấu về dưới 3%; tiếp tục ổn định tỷ giá; thực hiện các giải pháp về lãi suất và tín dụng để tăng hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống…

“Không muốn lãi suất tăng lên”

Riêng về điều hành tỷ giá, tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng chính thức nêu định hướng năm 2015 nếu có điều chỉnh sẽ không quá 2%; mục tiêu chung là tiếp tục giữ ổn định.

Về lãi suất, Thống đốc nhìn lại rằng, trong năm 2014, mục tiêu kéo lãi suất cho vay về quanh 10% đã hiện thực; mặt bằng lãi suất nói chung đã thấp hơn những năm 2005-2006.

Cho rằng các ngân hàng không muốn lãi suất tăng lên, vẫn tiếp tục tìm hướng có thể giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, việc duy trì được mặt bằng lãi suất hiện nay trong năm tới là hết sức khó khăn. Một mặt, nhu cầu vốn của nền kinh tế có thể tăng lên, cùng đó lạm phát vẫn là yếu tố không thể chủ quan; cả hai có thể gây sức ép lên lãi suất.

Với lạm phát, Thống đốc phân tích rằng, năm 2014 ở mức thấp do có những yếu tố đột biến, đặc biệt là tác động từ sự sụt giảm mạnh và nhanh của giá dầu thế giới. Cùng đó, do Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 dương lịch, nên áp lực lạm phát không thể hiện ở cuối năm nay như thông thường các năm.

Cũng về lãi suất, tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, đưa ra một kết quả tham khảo. Đó là chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương.

Tại Tp.HCM, sau hai năm triển khai, qua 42 đợt kết nối, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia. Riêng năm 2014 tổng số vốn ký kết cho vay qua chương trình này đã lên tới 40.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch được giao.

Đáng chú ý, ông Minh cho biết, các doanh nghiệp tham gia vay chương trình trên, dù không thuộc diện ưu đãi, nhưng với ngắn hạn đã vay được lãi suất tối đa là 7%/năm, 10%/năm với trung dài hạn.

Mục tiêu giảm nợ xấu là khả thi

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), đưa ra thông tin “đáng mừng” về tình hình nợ xấu tại ngân hàng mình: kiểm soát dưới 3%.

“Đáng mừng”, bởi đến cuối quý 3/2014, nợ xấu của MB chớm trên 3%. Điều này khiến một số nhà đầu tư, hoặc các đầu mối liên quan quan ngại về việc đảm bảo yêu cầu trong cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán (theo Thông tư 36 vừa ban hành, ngân hàng nào có nợ xấu trên 3% sẽ phải ngừng nghiệp vụ này).

Tổng giám đốc MB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn, hỗ trợ từng ngân hàng trong quá trình thực hiện các chính sách quan trọng trong Thông tư 02/Thông tư 09 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro) và Thông tư 36 (về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động).

Ông Lê Công cho rằng, các chính sách trên là hướng hệ thống hoạt động theo thông lệ tốt của quốc tế, nên dù có tác động có thể khiến hoạt động ngân hàng nói chung khó khăn trong năm tới nhưng sẽ quyết tâm thực hiện theo lộ trình.

Với nợ xấu, lãnh đạo MB nhấn mạnh lại quan điểm được đề cập đến nhiều thời gian qua, rằng: vấn đề nợ xấu là của cả nền kinh tế, chỉ ngành ngân hàng không xử lý được, mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành và doanh nghiệp.

Trong mối quan hệ trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương (VietinBank), phản ánh một hiện tượng đáng chú ý về sự phối hợp của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn.

Theo ông Thắng, thực tế hoạt động cho thấy, tại nhiều địa bàn, khách hàng có tài sản những ngân hàng không thể thu hồi. Và trong lịch sử ngành ngân hàng, chưa bao giờ có chuyện là ngân hàng phải đi ốp cơ quan thi hành án, để cùng xử lý vấn đề nợ xấu.

Thậm chí, cũng theo Chủ tịch VietinBank, có những trường hợp cho vay làng nghề, mặc dù người vay có tiền nhưng lại không chịu trả nợ, phát mại tài sản thì không chịu hợp tác; hay tại Hải Phòng, có doanh nghiệp làm ăn bình thường nhưng cũng không trả nợ ngân hàng…

Thế nên, ông Thắng vẫn tiếp tục kiến nghị (vấn đề đã đề cập suốt vài năm qua), Ngân hàng Nhà nước làm sao đó để tìm các giải pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp…, tạo những khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo.

Dù gặp những khó khăn như vậy, nhưng Chủ tịch VietinBank vẫn tin rằng, mục tiêu giảm được nợ xấu về dưới 3% vào cuối 2015 mà Quốc hội đã giao là khả thi.

Trước đó, khi trả lời VnEconomy về mục tiêu giảm nợ xấu mà Quốc hội đã thông qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhìn nhận, dù áp lực nhưng đây là một mục tiêu khả thi.