Nỗi lo kinh tế Trung Quốc vẫn chồng chất dù giá tiêu dùng tăng tốc
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang “chiến đấu” với áp lực giảm phát. Tiêu dùng và đầu tư yếu đã dẫn tới một cuộc chiến giá cả căng thẳng...
Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 7 tăng mạnh hơn dự báo, nhưng chủ yếu do các yếu tố mùa vụ như thời tiết. Bởi vậy, giới phân tích tiếp tục lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang chìm trong khủng hoảng bất động sản và tình trạng ảm đạm của nhu cầu, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) vào hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg. Không bao gồm hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,4%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 - dấu hiệu cho thấy nhu cầu nói chung trong nền kinh tế còn yếu.
“Điều kiện thời tiết bất lợi và cơ sở so sánh thấp của giá thịt lợn khi so với cùng kỳ năm ngoái là những nguyên nhân chính khiến CPI tăng mạnh hơn so với dự báo, chứ không phải là một sự gia tăng của nhu cầu trong nước. Chúng tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để kích cầu trong nửa sau của năm nay”, nhà kinh tế cấp cao Serena Zhou của công ty Mizuho Securities Asia Ltd. nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang “chiến đấu” với áp lực giảm phát. Tiêu dùng và đầu tư yếu đã dẫn tới một cuộc chiến giá cả căng thẳng ở nhiều lĩnh vực như ô tô điện và năng lượng mặt trời, gây thiệt hại về lợi nhuận đối với doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng càng có khuynh hướng trì hoãn việc mua hàng vì họ cho rằng giá hàng hóa còn giảm thêm.
Dữ liệu thống kê công bố hôm thứ Sáu cũng cho thấy giá hàng hóa ở cổng nhà máy của Trung Quốc duy trì xu hướng giảm bắt đầu từ cuối năm 2022. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 0,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức giảm ghi nhận trong tháng 6.
Trưởng thống kê Dong Lijuan của NBS, cho rằng CPI toàn phần tăng mạnh hơn dự báo là một dấu hiệu cho thấy “nhu cầu tiêu dùng tiếp tục hồi phục”. Tuy nhiên, bà Dong cũng lưu ý rằng thời tiết nắng nóng gay gắt và mưa lớn ở một số khu vực đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng lên.
Cụ thể, giá rau xanh và trứng gia cầm đã tăng trong tháng 7 do điều kiện thời tiết bất lợi, đảo ngược xu thế giảm của tháng 6. Điều này giúp giá của nhóm thực phẩm tăng sau 1 năm trời giảm liên tục - một nguyên nhân gây áp lực giảm lên CPI. Ngoài ra, do cơ sở so sánh thấp, giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 7 cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2022, đóng góp vào mức tăng chung của CPI.
Trong khi đó, giá ô tô, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng đồng loạt giảm, phản ánh cuộc chiến giá cả và ảnh hưởng dai dẳng từ cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết.
“Dù tăng tốc nhẹ, lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 7 vẫn còn thấp, cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế thoát khỏi rủi ro giảm phát. Kịch bản chính của chúng tôi là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm lãi suất thêm 0,1 điểm phần trăm nữa trước cuối năm nay, với khả năng nghiêng về lãi suất được cắt giảm nhiều hơn”, nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định.
Đối với Trung Quốc, nhiệm vụ phục hồi nhu cầu trong nước là một việc ngày càng quan trọng vì xuất khẩu - một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế năm nay - đã bất ngờ tăng trưởng chậm lại trong tháng 7, một chỉ báo cho thấy nhu cầu toàn cầu đang yếu đi. Sự giảm tốc của xuất khẩu có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2024.
Bộ Chính trị Trung Quốc gần đây tuyên bố đưa việc thúc đẩy tiêu dùng thành một trọng tâm chính sách lớn hơn. Chính phủ nước này vào tuần trước đã công bố kế hoạch hành động gồm 20 bước để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ, mặc dù kế hoạch này không gồm nhiều khuyến khích tài chính để thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà kinh tế đang kêu gọi Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để cải thiện tình trạng yếu kém của nhu cầu tiêu dùng. Theo chuyên gia Chu của Mizuho, việc chính quyền các địa phương phát hành trái phiếu và trợ cấp có thể đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các khoản nợ của địa phương cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản.
PBOC cũng được cho là sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất trong năm nay, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ mạnh tay hạ lãi suất.
“Lạm phát ở Trung Quốc có điều kiện để tăng thêm một chút trong những tháng sắp tới, nhưng điều này sẽ không cản trở việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Với lạm phát còn thấp và hoạt động tín dụng yếu, các yếu tố trong nước sẽ tiếp tục ủng hộ nới lỏng”, nhà kinh tế Lynn Song của ngân hàng ING Groep NV nhận định.