Novartis Social Business muốn hỗ trợ người bệnh tốt hơn
Hãng dược phẩm Novartis cho biết đã và đang thực hiện hai chương trình hỗ trợ các địa phương của Việt Nam để nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ
Trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN tại Hà Nội vừa qua, ông Harald Nusser, Giám đốc chương trình Novartis Social Business của hãng dược phẩm Novartis cho biết đã và đang thực hiện hai chương trình hỗ trợ các địa phương của Việt Nam để nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ thuốc có chất lượng cho người dân.
Thưa ông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở các nước ASEAN ngày càng tăng và đây cũng là vấn đề được chính phủ các nước này quan tâm. Ông có thể chia sẻ những hỗ trợ của Novartis Social Business với người dân các nước ASEAN để họ được chăm sóc và điều trị y tế chất lượng cao?
Trước hết cần nói về định hướng chăm sóc y tế của chúng tôi, đó là chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người dân, đó là nhận thức tích cực về chế độ ăn uống, dinh dưỡng và tập luyện, đồng thời, nâng cao nhận thức những mặt tiêu cực của việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Cách làm như vậy vừa bảo vệ sức khoẻ người dân vừa góp phần giảm thiểu chi phí chăm sóc y tế của các chính phủ.
Trước đây, các nhà tài trợ thường hỗ trợ y tế một cách truyền thống với các nước đang phát triển theo cách phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, HIV... Giờ đây, các quốc gia này đã trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ đã giảm, trong khi phải tiếp tục đối phó với các bệnh truyền nhiễm đồng thời với các bệnh không truyền nhiễm.
Chúng tôi cho rằng, những kiến thức và kinh nghiệm trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm có thể tiếp tục áp dụng với các bệnh phi truyền nhiễm đang gia tăng. Do đó, các nhà tài trợ có thể tiếp tục thực hiện các chiến lược hỗ trợ của mình một cách cân đối và hài hoà trong các hoạt động về chống bệnh truyền nhiễm lẫn các bệnh không truyền nhiễm.
Vấn đề này sẽ được xử lý nếu làm tốt việc tích hợp các phương pháp áp dụng kinh nghiệm cho xử lý bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm từ cấp độ phường, xã và chung tay cùng các sáng kiến của chính phủ. Chúng tôi muốn đặt mình vào vị trí người dân để hiểu nhu cầu của họ, đồng thời, muốn cùng các tổ chức, giới nghiên cứu và các cơ quan của chính phủ, cùng hợp tác để mang lại kết quả tốt.
Được biết, Novartis Social Business có chương trình Novartis Access với hướng tiếp cận gần gũi hơn với các địa phương và người dân. Xin ông chia sẻ ý nghĩa của chương trình này tại Việt Nam ?
Novartis Access là một cấu phần trong hoạt động của Novartis Social Business của chúng tôi, tập trung vào các bệnh phi truyền nhiễm với 4 trụ cột chính là các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, hen suyễn, ung thư vú. Bên cạnh cấu phần liên quan đến nâng cao năng lực chăm sóc y tế cho các địa phương tại các quốc gia, chúng tôi cung cấp 15 loại thuốc khác nhau bao gồm cả thuốc điều trị ung thư vú với mức giá cho chính phủ là 1 đô la Mỹ một tháng.
Tại Việt Nam, Novartis Social Business thực hiện 2 chương trình trong thời gian khá dài. Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc phối hợp với các sở y tế để triển khai các chương trình "Cùng sống khoẻ" ở cấp xã, phường. Chương trình này được triển khai năm 2012 nhằm giúp người dân cao nhận thức về sức khỏe và cung cấp nhiều loại thuốc với giá hợp lý.
Đến nay, chương trình "Cùng sống khỏe" đã tiếp cận được hơn 930.000 người dân, giúp họ có được kiến thức sức khỏe cơ bản và sàng lọc để phòng ngừa các bệnh như tiểu đường và tăng huyết áp. Chương trình cũng tổ chức đào tạo về chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho 638 bác sĩ từ các trung tâm y tế huyện và cộng đồng vào năm 2017 và 2018, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại các trung tâm y tế địa phương.
Định hướng sắp tới của chúng tôi là phối hợp với sở y tế để đưa thuốc vào chương trình này cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ người dân sàng lọc bệnh. 5 trong số 15 loại thuốc của Novartis Access đã được cấp phép. Chúng tôi hy vọng có thể triển khai chương trình tại 2 tỉnh ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm nay.
Đây là hoạt động phi lợi nhuận của Novartis Access. Nếu quy mô của chương trình được mở rộng trên toàn cầu và đạt 20 triệu người thụ hưởng thì may ra mới đạt điểm hoà vốn.
Novartis Social Business có gặp khó khăn gì khi thực hiện những chương trình này không, thưa ông?
Đúng là có khó khăn nhưng chúng tôi luôn chia sẻ, minh bạch và cởi mở về những trở ngại. Khó khăn trước hết đến từ nội bộ công ty, khi chúng tôi cố gắng giảm giá các sản phẩm để thực hiện chương trình, việc này vô hình trung ảnh hưởng đến công việc của nhiều người trong công ty. Chúng tôi phải chia sẻ và động viên nhau vì mục tiêu hỗ trợ và thực hiện chương trình trong chặng đường lâu dài.
Khó khăn thứ hai mang tính đặc thù của ngành. Ngành công nghiệp dược phẩm không phải lúc nào cũng được nhìn nhận như là công việc làm vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân trên toàn thế giới. Do đó, chúng tôi phải cố gắng thuyết phục mọi người rằng chúng tôi chân thành và nghiêm túc trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng cho mọi người.