Pháp luật kinh doanh năm 2023 “chảy” theo 4 dòng
Những năm gần đây tư duy soạn thảo chính sách cũng như trong quá trình thực thi đã cải thiện rất nhiều, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại các dạng quy định, biện pháp quản lý quá mức cần thiết, tạo rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp…
Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết đây là năm thứ 7 VCCI công bố báo cáo này. Báo cáo nhằm điểm lại những vấn đề quan trọng, đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm.
Lãnh đạo VCCI nhận định, năm 2023 là một năm mà thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp và khó lường đối với cộng đồng kinh doanh. Các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như tình trạng suy giảm đơn hàng; thiếu vốn kinh doanh….
Mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng so với năm 2022 (tăng 4,5%) nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại rất lớn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thách thức như trên, năm vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn trong xây dựng chính sách, tạo lập thể chế cho các hoạt động kinh doanh. Nhiều đạo luật quan trọng, có tính chất nền tảng với nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi… đã được thông qua.
Tham gia và theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, theo ông Công, VCCI nhận thấy có 4 “dòng chảy” đáng lưu ý.
Thứ nhất, các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trong năm qua, VCCI nhận thấy sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây vướng trong quá trình triển khai. Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án để cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Chính phủ và Quốc hội cùng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15.
Năm 2023, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã được phản hồi, trong đó có nhiều ghi nhận và sẽ có kế hoạch sửa trong thời gian tới.
Mặc dù, vẫn còn một số băn khoăn về tính thực chất và kỳ vọng hơn nữa về tính cải cách, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực này, đặc biệt là nhận thấy rõ về sự thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thứ hai, đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó cho doanh nghiệp.
Trong năm qua, VCCI nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…
Cơ quan nhà nước đã tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, như tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định gây vướng (như sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy; dự thảo nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; …), tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết.
Mặc dù một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhưng việc các cơ quan nhà nước tiếp nhận và tìm cách xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, cho thấy tinh thần cầu thị của các cơ quan soạn chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh các nỗ lực này.
Thứ ba, vẫn còn có một số chính sách chưa phù hợp, cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý.
Người đứng đầu VCCI cho rằng với sự vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn.
Chính sách quản lý xăng dầu là một ví dụ. Hiện tại Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu doanh nghiệp xăng đầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, phải nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập…
Hay thủ tục trong lĩnh vực quản lý giá, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá. Các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến doanh nghiệp khi có những biến động trên thị trường.
Song nét tích cực là Chính phủ đang có kế hoạch để sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi căn bản Nghị định về kinh doanh xăng dầu. “Chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy những chuyển biến lớn về tư duy quản lý trong Nghị định mới này”, ông Công nói.
Thứ tư, các chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp.
Trước yêu cầu chuyển đổi xanh, thời gian gần dây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định pháp luật dành cho lĩnh vực này. Đây là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, vì là những chính sách mới nên trong quá trình xây dựng và đề xuất, một số chính sách hiện hành đưa đến nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp về tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến chế định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); sự chồng lấn về quản lý khiến doanh nghiệp phải gia tăng về nghĩa vụ thực hiện trong các quy định liên quan đến giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng...