06:16 06/05/2022

Phát hiện trên 51 nghìn vụ vi phạm thuộc lĩnh vực thủy lợi nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp

Chương Phượng

Trong năm 2021, cả nước có 51.827 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực thủy lợi đã được phát hiện, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý các vụ vi phạm rất thấp…

Công trình thủy lợi thường bị xâm phạm.
Công trình thủy lợi thường bị xâm phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi công văn số 2734/BNN-TCT đến UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, yêu cầu phải chấn chỉnh ngay việc xử lý vi phạm các công trình thủy lợi.

TỒN ĐỌNG 17.432 VỤ VI PHẠM CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ

Trước đó, báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, đến thời điểm này, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo đến Tổng cục Thủy lợi về tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong năm 2021.

Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổng hợp theo các báo cáo cho thấy, trong năm 2021, cả nước có 51.827 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực thủy lợi đã  được phát hiện, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi.

Tỷ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao (34.395/51.828 vụ vi phạm, chiếm trên 66%); còn tồn đọng 17.432 vụ, chiếm tỷ lệ 33,63%.

Cụ thể, vi phạm qui định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi đã xử lý được 31.357 vụ, còn lại 14.655 vụ. Vi phạm qui định đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi: đã xử lý được 544 vụ, còn lại 2.068 vụ chủ yếu là xả nước thải 1.734 vụ, số vụ vi phạm xả nước thải tồn đọng tập trung vào các vùng: Miền núi phía bắc và Bắc trung Bộ...

Các vi phạm được xử lý vừa qua chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở và phạt cảnh cáo, thiếu biện pháp xử lý mạnh (xử phạt, cưỡng chế, thu hồi) mang tính răn đe các đối tượng vi phạm.

 

"Các vi phạm thủy lợi tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 50,39% tổng số vụ vi phạm cả nước; Đồng bằng sông Hồng chiếm 19,46%; Bắc Trung Bộ chiếm 18,38%... Một số địa phương có số vụ vi phạm lớn, trên 1.000 vụ".

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính rất thấp, có 25/61 tỉnh báo cáo kết quả xử phạt. Một số địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhưng không xử phạt hành chính gồm: Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên...

Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cũng nêu rõ: "Kết quả xử lý vi phạm còn thấp và hiệu quả chưa cao, chủ yếu do sự chỉ đạo, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý chuyên ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ". 

Bên cạnh đó, công trình xây dựng từ lâu và qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tỉnh chưa ban hành phạm vi vùng phụ cận và các tỉnh cơ bản chưa triển khai công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ công trình cũng như việc xác định và xử lý vi phạm.

Không những vậy, nhận thức của một số người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, một số còn cố tình, chây ỳ; chưa nhận thức được hành vi của mình là gây mất an toàn công trình, chỉ lấy lợi ích kinh tế cá nhân trước mắt mà chưa nghĩ đến lợi ích của cả cộng đồng.

Hơn nữa, việc phát hiện vi phạm còn chậm, chế tài xử lý trong công tác giải tỏa, cưỡng chế và khung phạt hành chính chưa đủ mạnh; người dân vi phạm không xử lý, nếu có xử lý cũng không cương quyết, còn né tránh, ngại va chạm...

CHẤN CHỈNH NGAY VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM

Trước thực trạng trên, ngày 4/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương yêu cầu xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Yêu cầu các tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Yêu cầu các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với phòng cảnh sát môi trường thuộc công an các tỉnh, thành phố trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các nội dung được cấp phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi.

Đồng thời, các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tham gia việc cấp giấy phép môi trường và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật; công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên các phương tiện truyền thông.

 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Nghị định nêu rõ hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều.

Đồng thời, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng.