Phát huy nguồn lực công nghệ và trí tuệ từ kiều bào để phát triển đất nước
Tiếp tục chương trình thăm và làm việc ở Hoa Kỳ, sáng ngày 17/5 theo giờ địa phương, tại San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi ăn sáng làm việc với một số doanh nghiệp Việt kiều trong lĩnh vực tài chính và công nghệ...
Đây là hoạt động đầu tiên của Thủ tướng và đoàn công tác tại bờ Tây của Hoa Kỳ, sau các hoạt động tại bờ Đông (thủ đô Washington, thành phố New York, thành phố Boston), trong chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Đảng, Nhà nước đã xác định dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng, một đột phá phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây. Trong đó, chú trọng kêu gọi các nhà khoa học, doanh nhân, trí thức, kiều bào ta ở nước ngoài góp phần xây đựng đất nước.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp, hiến kế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu cao hơn, vượt qua mọi thách thức để đất nước phát triển nhanh, bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra.
BỘ PHẬN KHÔNG THỂ TÁCH RỜI TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và tình hình đất nước.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, trong khi Việt Nam lại có vị trí chiến lược quan trọng. Dịch bệnh tại Việt Nam tuy được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp.
Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đó là các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số. Những vấn đề chuyển đổi số, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tác động tới các quốc gia trên thế giới, khu vực và Việt Nam. Biển Đông cũng là một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, khi tuyến đường hàng hải qua đây chiếm tới khoảng 65% lượng hàng hóa trên toàn thế giới.
Theo Thủ tướng, để giải quyết những vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế.
Điểm lại những dấu mốc trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ với những thăng trầm và đột phá, Thủ tướng cho biết hai bên đã "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, ký kết hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2015.
Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng trong những năm qua.
Việt Nam đóng vai trò tích cực trong quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai bên đạt 112 tỷ USD, chiếm 1/3 trong tổng kim ngạch thương mại ASEAN-Hoa Kỳ (khoảng 362 tỷ USD).
Thủ tướng cũng thông báo những kết quả lớn đạt được của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vừa diễn ra như ra tuyên bố tầm nhìn chung, cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện…
Dành nhiều thời gian phân tích về đường lối, chiến lược và mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới, Thủ tướng cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD).
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước.
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, duy trì tăng trưởng năm 2021 và đạt tăng trưởng hơn 5% trong quý 1/2022, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng, an ninh lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm.
Thủ tướng cũng cho biết thêm về việc triển khai gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP, tập trung vào 5 lĩnh vực: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng vừa nhằm hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, vừa tạo việc làm, vừa thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra những biến đổi mang tính chiến lược và không gian phát triển mới cho đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của kiều bào, doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ trong thời gian khó khăn vừa qua do đại dịch, đồng thời bày tỏ trân trọng, cảm ơn đóng góp của các doanh nhân, kiều bào với công tác phòng chống dịch trong nước cả về vật chất và tinh thần.
Thủ tướng nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, người Việt Nam lại càng đoàn kết, phát huy mạnh mẽ bản sắc, truyền thống lịch sử - văn hóa, nhất là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Thủ tướng mong muốn các doanh nhân luôn khỏe mạnh, kinh doanh thành đạt, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tôn trọng pháp luật sở tại; không ngừng nỗ lực chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; luôn hướng về và đóng góp cho quê hương, đất nước, cũng như đóng góp cho quan hệ toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật.
KẾT NỐI NGƯỜI VIỆT TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐỂ TẠO SỨC MẠNH TO LỚN
Tại cuộc gặp, ông Sang Nhin - Chủ tịch, đại diện cho Công ty Westcoast Precision Inc, đánh giá cao thành công chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam. Nhắc lại câu nói của người Mỹ "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ), ông bày tỏ mong muốn đóng góp để "công nghệ hóa" đất nước – đây là yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ông cũng đánh giá cao những phát biểu của Thủ tướng về tầm nhìn phát triển các địa phương và đất nước, được chứng minh qua bài học thành công của Quảng Ninh. Westcoast Precision Inc đã hoạt động gần 30 năm trong lĩnh vực cơ khí chính xác, vật liệu bán dẫn phục vụ quốc phòng…
Ông trình bày nhiều đề xuất về các hoạt động hợp tác, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định vai trò hàng đầu của nguồn lực con người, bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển mạnh mẽ của đất nước. "Tự hào với con người Việt Nam, chúng ta có thể làm được những gì mà chúng ta đã đặt ra", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Yến, một nhà nghiên cứu có nhiều phát minh, sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ cao, cho biết đang cùng các kỹ sư Việt kiều trên toàn cầu triển khai một dự án về internet vạn vật (IoT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Trong quá trình này, bà nhận thấy giới trẻ của Việt Nam có trình độ và tinh thần rất cao, "khó mấy cũng làm", và điều này khiến bà rất tự hào. Bà cho rằng, nếu kết nối tốt hơn nữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ tạo ra sức mạnh to lớn hơn cho phát triển đất nước.
Ông Don Lam, Chủ tịch tập đoàn Vinacapital, góp ý về các chính sách thu hút nhân tài, quảng bá hình ảnh Việt Nam và các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước... tới các nhà đầu tư toàn cầu.
Khẳng định niềm tin vào sự phát triển đất nước, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Vietnam Waste Solutions (VWS), đề xuất, kiến nghị về một số dự án, chương trình cụ thể đang triển khai trong nước.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, thiết lập cơ chế làm việc trực tuyến để có thể trao đổi thuận lợi hơn với các Việt kiều, trong đó có Việt kiều tại bờ Tây Hoa Kỳ, nghiên cứu thêm các chính sách thuận lợi hơn cho Việt kiều đóng góp, cống hiến cho đất nước.
Ông đồng tình với các ý kiến cho rằng Việt Nam phải phát triển được các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim, chế tạo máy… Đồng thời, xác định con người là vốn quý nhất, phải phát huy tối đa trí tuệ, năng lực, phẩm chất con người Việt Nam.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan xử lý các đề xuất, kiến nghị về các chương trình, dự án cụ thể tại Việt Nam.