08:48 27/06/2022

Phát triển kinh tế ban đêm để phục hồi du lịch

Tuệ Mỹ

Lợi thế của mô hình kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, nếu kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Một số chính sách cởi mở hơn đã được ban hành, điển hình như cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số loại hình dịch vụ đã từng bước gỡ khó cho kinh tế ban đêm, nhưng cho đến nay lĩnh vực này vẫn còn đang trong giai đoạn “khởi động”.

NHU CẦU LÀ RẤT LỚN

Kinh tế ban đêm là một khái niệm rất quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao hàm các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Hiện nay, phát triển kinh tế đêm hiện đang được TP.HCM xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch của thành phố sau đại dịch.

“Theo một báo cáo khảo sát từ một đối tác của Google mà chúng tôi vừa nhận được thì xu hướng của khách du lịch đang có chiều hướng giảm về tần suất đi du lịch nhưng lại gia tăng thời gian tham gia trong một tour. Vì thế ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm ban ngày thì chúng tôi cũng muốn phát triển thêm các sản phẩm về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú tại TP.HCM,” ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết.

Trong hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty du lịch Vietravel, từng khẳng định nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, thì dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, đầu tư.

Kinh tế ban đêm là một khái niệm bao hàm các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Kinh tế ban đêm là một khái niệm bao hàm các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trước dịch Covid-19, việc phát triển kinh tế ban đêm chỉ gói gọn với 4 khu chợ đêm, đến nay, ngoại trừ chợ đêm Yến Sào thì 3 chợ đêm còn lại không còn hoạt động. Thành phố biển này thu hút đông du khách quốc tế, nhưng các dịch vụ giải trí như: bar club, vũ trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí ngay cả karaoke cũng khá ít.

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được xem là trung tâm du lịch của miền Trung nhưng cũng thiếu hẳn sản phẩm du lịch về đêm. Du khách đến Hội An vào ban đêm, ngoài ngắm phố cổ, xem biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An", đi dạo chợ đêm hoặc vào các quán bar thì không còn chỗ vui chơi hấp dẫn khác. Nguyên nhân là do những hạn chế về quy định giờ giấc, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh, trật tự xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour – Vietluxtour, nhu cầu sản phẩm du lịch về đêm rất lớn. “Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch về đêm là cần thiết. Nếu nhìn ra nước ngoài, nhiều thành phố du lịch lớn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore... sản phẩm du lịch về đêm đã phát triển từ nhiều năm qua và du khách Việt rất thích khám phá. Chúng ta có thể học hỏi mô hình phát triển kinh tế đêm của nước bạn nhưng phải có nét đặc trưng riêng của bản địa, điểm đến,” ông An nói.

CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ

Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm của Anh đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ Bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. E&Y ước tính  khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ Bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng ước tính việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước này.

 
Kinh tế ban đêm là nối dài hoạt động kinh tế ban ngày. Nó góp phần làm cho hoạt động của nền kinh tế có hiệu quả cao hơn. Việc cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm nhằm tạo giá trị thặng dư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

Với quyết tâm làm bật dậy kinh tế ban đêm, trong thời gian tới, các thành phố Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Thừa Thiên - Huế… đều cho biết sẽ triển khai đề án "Phát triển kinh tế đêm" trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực trạng hiện nay là các sản phẩm đều na ná nhau, chưa tạo sự khác biệt và các địa phương cũng chưa có sự liên kết, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch về đêm một cách sâu rộng.

Còn ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho rằng một trong những vấn đề cần khắc phục để phát triển kinh tế ban đêm là vấn đề tiếng ồn. Bởi hiện nay, một số dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm có âm thanh hoạt động công suất cao suốt đêm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du khách và người dân địa phương tại các khu vực xung quanh. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh lành mạnh, không để phát sinh tình trạng chặt chém, ép giá, đe dọa, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì an toàn giao thông, an ninh - trật tự xã hội…

Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch về đêm là cần thiết.
Muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch về đêm là cần thiết.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty vận tải và du lịch Vitraco (Đà Nẵng), cho rằng hiện các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ về đêm đang gặp khó khăn về nguồn khách hoặc loay hoay trong việc tái khởi động các sản phẩm, dịch vụ. “Du lịch về đêm thì phần nghệ thuật cũng rất quan trọng để giữ chân khách. Những show biểu diễn nghệ thuật đó phải làm sao vừa có chiều sâu của văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới,” bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel đề xuất.

Ngoài ra, mặc dù Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được phê duyệt từ lâu, nhưng thực tế vẫn tồn tại không ít vướng mắc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó, cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường đại học Kinh tế quốc dân, để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển”.