19:30 16/03/2022

Phát triển năng lượng sinh học còn nhiều rào cản

Chu Khôi

Phát triển năng lượng sinh học đang vấp phải nhiều rào cản, từ sự thiếu sự ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu… đến các cơ chế khuyến khích của Chính phủ chưa hấp dẫn. Việt Nam cũng đã có một số chính sách thúc đẩy nhưng đến nay, số nhà máy và tỷ lệ tham gia của điện sinh khối, điện rác vào hệ thống điện là rất thấp...

Điện sinh khối có nhiều dư địa phát triển.
Điện sinh khối có nhiều dư địa phát triển.

Chiều 15/3/2022, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển năng lượng sinh học Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26”.

 ĐẾN NĂM 2030, ĐIỆN SINH KHỐI ĐẠT 1.730 MW

Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển thị trường Sinh học bền vững tại Việt Nam” (BEM), do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên bang Đức thông qua Sáng kiến ​​Khí hậu quốc tế (IKI) tài trợ. 

Hội thảo điễn ra trực tuyến chiều 15/3/2022.
Hội thảo điễn ra trực tuyến chiều 15/3/2022.

Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM của GIZ , cho biết dự án BEM được thực hiện từ năm 2019 đến 2023 nhằm cải thiện các điều kiện tiền đề để sử dụng bền vững năng lượng sinh học cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam.

Các hoạt động chính của dự án, gồm: cải thiện khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng sinh khối, nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính, tổ chức liên quan, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân tham gia vào quá trình phát triển này, và thúc đẩy hợp tác công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa các bên liên quan trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực năng lượng sinh khối. 

Hội thảo là cơ hội thảo luận để tháo gỡ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong thời gian tới, góp phần thực hiện cam kết COP26 của Chính phủ, đóng góp vào các mục tiêu phát triển và năng lượng của Việt Nam, cùng nhau nỗ lực hướng tới một tương lai các-bon thấp.

Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh học. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên để sản xuất năng lượng sinh học có vai trò quan trong góp phần việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường.

 

“Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW. Tuy nhiên đến nay mới lắp đặt được 350 MW. Như vậy, từ giờ đến năm 2030, muốn đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”.

Bà Nguyễn Phương Mai. 

Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (VREDS) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu lên mục tiêu: tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn sinh khối dự kiến đạt xấp xỉ 3,0% vào năm 2020; 6,3% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050; tỷ lệ nhiệt sản xuất từ các nguồn sinh khối dự kiến sẽ đạt khoảng 17% vào năm 2020; 14% vào năm 2030 và 12% vào năm 2050.

Theo bà Giang, Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển điện sinh khối, thông qua việc áp dụng phương pháp đồng phát trong các nhà máy đường và nhà máy chế biến thực phẩm cũng như đồng đốt sinh khối và than trong các nhà máy nhiệt điện than… 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua tất cả sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo với hợp đồng mua bán điện là 20 năm, giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá USD/VND. Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, ưu đãi về đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư điện sinh khối.

Phát triển năng lượng sinh học còn nhiều rào cản - Ảnh 1

BĂN KHOĂN VỀ CÔNG NGHỆ VÀ VỐN ĐẦU TƯ

Bà Giang chỉ ra nhiều rào cản đối với phát triển điện sinh khối: thiếu sự ổn định và bền vững trong việc cung cấp nhiên liệu; giá nguyên liệu thay đổi theo mùa; cơ chế khuyến khích điện sinh khối chưa hấp dẫn.

Muốn biến chất thải thành điện năng mang lại nhiều lợi ích, bà Phạm Hương Giang cho rằng, Nhà nước cần xem xét lại giá FIT (cơ chế giá ưu đãi) đối với điện sinh khối, không nên dựa trên công nghệ.

“Nên xem xét “thưởng thêm” cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khí sinh học, cần có cơ chế khuyến khích các nhà máy than thay thế một phần nguyên liệu bằng việc sử dụng viên nén”, bà Giang đề xuất.

Phát triển năng lượng sinh học còn nhiều rào cản - Ảnh 2

Hàng chục doanh nghiệp, nhà đầu tư có mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối tham dự trực tuyến hội thảo đã nêu lên nhiều  băn khoăn cần giải đáp.

Trong đó, băn khoăn tập trung chủ yếu vào công nghệ và hiệu suất thu hồi năng lượng, hiệu ăng của các loại nguyên liệu, nhiên liệu phế phụ phẩm nông nghiệp, giá thành sản xuất.

Đặc biệt, quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư là vay vốn ở đâu để phát triển điện sinh khối. Các chuyên gia của Đức và Việt Nam đã giải đáp những thắc mắc về vấn đề công nghệ và kỹ thuật điện sinh khối.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Trưởng Ban Vốn nước ngoài, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cho biết VDB là tổ chức tài chính của Chính phủ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đồng thời cũng là cơ quan cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ lớn nhất tại Việt Nam.

Hoạt động tín dụng của VDB tập trung vào các mục tiêu phát triển của Chính phủ, bao gồm Chiến lược tăng trưởng xanh và Chiến lược chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

 

"Trong lĩnh vực điện sinh khối, đã có nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn vay do VDB cung cấp. Điển hình như, Nhà máy điện năng lượng tái tạo sử dụng bã mía Nhà máy đường Lam Sơn 2 mở rộng: chủ đầu tư là Công ty CP mía đường Lam Sơn, công suất 12,5 MW, với số vốn cho vay139,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của JICA. Hay như, Dự án Nhà máy điện sinh khối mía đường Tuyên Quang với công suất 25 MW, chủ đầu tư là Công ty CP mía đường Sơn Dương được vay vốn 105 tỷ đồng".

Bà Nguyễn Thúy Hà.

Cụ thể, VDB cho vay vốn chủ yếu cho các lĩnh vực: Cấp nước sạch, xử lý rác thải, nước thải; Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện; Chế biến thủy hải
sản công nghệ cao; Sản xuất muối công nghiệp; Năng lượng tái tạo: gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh học, điện sinh khối…

Hiện VDB có hai nguồn cho vay lại ODA, từ JICA và từ EIB. Trong đó, nguồn tài chính từ JICA với quy chế cho phép các doanh nghiệp, nhà đầu tư được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án, với lãi suất cho vay 8,55% năm bằng đồng Việt Nam, thời hạn cho vay phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án nhưng tối đa không quá tháng 12/2028 (đây là thời hạn cuối cùng VDB vay lại từ JICA).

Nguồn tài chính từ EIB đưa ra quy chế cho phép nhà đầu tư vay tối đa 50% tổng mức đầu tư của dự án, nhưng tối đa không quá 12,5 triệu USD.

Thời hạn cho vay phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án nhưng tối đa không quá tháng 7/2031 (đây là thời hạn cuối cùng VDB vay lại từ EIB).

Với cả 2 nguồn vay này, quy định tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai của dự án và tài sản khác (nếu có) tùy thuộc vào kết quả thẩm định của VDB.

Ngoài ra, trong tương lai, một số dự án có thể được vay vốn từ các khoản viện trợ hoặc nguồn vốn ưu đãi trong thời hạn tối đa 40 năm…