Qatar 2022: Một World Cup công nghệ
World Cup 2022 chỉ còn 3 ngày nữa sẽ khai màn. Đây là kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử, khi Qatar đã chi tới 220 tỷ USD riêng cho khoản xây dựng cơ sở hạ tầng, gấp tới 60 lần sự kiện tại Nam Phi năm 2010…
Qatar trở thành tâm điểm của cả thế giới với kỳ World Cup được mô tả là có một không hai, đánh dấu lần đầu tiên giải đấu số 1 thế giới tổ chức ở Tây Á. Sự giàu có của quốc gia chỉ có dân số khoảng 2,9 triệu người không chỉ giúp tổ chức một kỳ World Cup xa hoa mà còn tạo nên một giải đấu áp dụng nhiều thành tựu công nghệ tiện tiến nhất.
SÂN BÓNG DI ĐỘNG ĐẦU TIÊN
Một năm trước khi World Cup Qatar 2022 chính thức khởi tranh, nước chủ nhà Qatar ra mắt công nghệ có một không hai trong thể thao. Sân vận động Qatar Foundation được ghi nhận là sân bóng di động đầu tiên trên thế giới. Mọi chi tiết xây dựng nó đều có thể tháo rời, vận chuyển đến một nơi khác và lắp ghép nhanh chóng.
Theo giải thích của nước chủ nhà Qatar, điều này xuất phát từ nhu cầu phù hợp của một trung tâm huấn luyện thể thao sau khi World Cup kết thúc. Từ các ô cỏ trên sân đến từng hàng ghế, nhà vệ sinh và mọi thiết bị, vật tư làm nên sân bóng đều là những mảnh ghép.
Trên thực tế, nếu không tổ chức World Cup, Qatar không có nhu cầu xây nhiều sân bóng đến vậy. Vì thế, ngay sau khi World Cup khép lại, Qatar Foundation Stadium được cải tạo trở thành một khu phức hợp huấn luyện thể thao. Nó sẽ có hai bể bơi trong nhà chuẩn Olympic, một khu tập luyện nhảy cầu, một sân điền kinh trong nhà cùng một sân điền kinh ngoài trời. Số ghế ngồi cũng giảm từ 40.000 xuống chỉ còn 25.000.
CÔNG NGHỆ LÀM MÁT TÂN TIẾN
Mặc dù World Cup 2022 được tổ chức vào dịp cuối năm khi thời tiết mát mẻ hơn, nhưng nước chủ nhà vẫn đưa công nghệ làm mát tân tiến cho các sân vận động phục vụ giải đấu. Sau khi tối ưu hóa kiến trúc và thiết kế của các sân bóng, nhóm thiết kế đi đến kết luận không cần thiết phải làm mát toàn bộ sân, mà chỉ cần tập trung vào sân và khoảng 2m so với vị trí chỗ ngồi cao nhất. Thiết kế hệ thống làm mát của mỗi địa điểm khác nhau đều khác nhau để phù hợp với thiết kế và tính năng của mỗi sân. Tuy nhiên, điểm chung của công nghệ này là sử dụng năng lượng mặt trời.
Không khí bên ngoài được làm mát, rồi được phân phối ngay dưới ghế ngồi của khán giả trên khán đài và các vòi phun lớn bên cạnh sân. Các hệ thống sử dụng vật liệu cách nhiệt và làm mát tại chỗ để thân thiện với môi trường nhất có thể. “Công nghệ này ước tính hiệu quả hơn 40% so với các kỹ thuật hiện có”, Tiến sĩ Saud Abdulaziz Abdul Ghani tại Đại học Qatar cho hay. Sân vận động chỉ cần được làm mát hai giờ trước khi trận đấu diễn ra, giúp giảm tiêu thụ năng lượng so với phương pháp khác.
Ngoài ra, còn có hệ thống tái chế khí lạnh, được làm lạnh hai lần trước khi thải ra bên ngoài, qua đó giảm sự hấp thụ của không khí nóng. FIFA đánh giá rất cao tính thực tế của công nghệ làm mát bởi Qatar, không chỉ phục vụ World Cup 2022 mà còn các sự kiện thể thao quanh năm. “Điều quan trọng là công nghệ làm mát sẽ được ứng dụng lâu dài, có tính kế thừa”, trang chủ FIFA nhận xét.
SÂN VẬN ĐỘNG KẾT NỐI
Hơn 100 kỹ thuật viên sẽ túc trực 24/24 giờ tại Trung tâm chỉ huy và điều hành Aspire ở thủ đô Doha của Qatar, cẩn thận theo dõi các hình ảnh thu được từ 22.000 máy quay giám sát được lắp đặt khắp 8 sân vận động World Cup. Tại đây, các kỹ thuật viên có thể để mở các cổng vào, giám sát hệ thống cấp nước và bảo đảm hệ thống điều hòa nhiệt độ vận hành trơn tru.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt cũng cho phép các nhân viên phóng to hình ảnh ở mỗi ghế trong 80.000 ghế ngồi tại sân vận động Lusail, nơi sẽ diễn ra 10 trận cầu đỉnh cao bao gồm trận chung kết. "Chỉ với một cú nhấp chuột, chúng tôi có thể chuyển từ sân vận động này sang sân vận động khác. Tất cả mọi thứ đã được tích hợp trong cùng 1 nền tảng, bao gồm cả quản lý cơ sở vật chất, an ninh, an toàn - sức khỏe, và hệ thống thông tin - truyền thông", Đài Al Jazeera dẫn lời ông Hamad Ahmed al-Mohannadi, giám đốc Trung tâm chỉ huy và điều hành Aspire.
Các quan chức cho biết đây là lần đầu tiên khái niệm "sân vận động kết nối" được sử dụng tại một kỳ World Cup. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cho phép các kỹ thuật viên dự báo mức độ tụ tập của đám đông, từ đó có thể nhanh chóng đối phó với tình trạng quá tải bằng cách chia sẻ thông tin với các quan chức an ninh. Sự trợ giúp của AI sẽ cho phép phòng tránh khả năng xảy ra các cuộc bạo loạn như vụ việc hồi tháng 5 bên ngoài sân Stade de France ở Paris.
TRÁI BÓNG BAY NHANH NHẤT
Cuối tháng 3/2022, công ty Adidas đã công bố Al Rihla, quả bóng thi đấu chính thức cho Giải vô địch Bóng đá Thế giới Qatar 2022. Nó được mô tả là giúp hỗ trợ trận đấu ở tốc độ cao nhất nhờ sử dụng công nghệ lõi sáng tạo, cho phép bóng bay nhanh và chính xác hơn.
Giám đốc thiết kế Football Graphics & Hardwear của Adidas, cho biết Al Rihla là trái bóng đầu tiên trang bị công nghệ lõi sáng tạo CTR-CORE, bao gồm một con chip nằm ở trung tâm có thể theo dõi mỗi lần cầu thủ chạm bóng với tốc độ 500 lần trên giây. Nó có một hệ thống treo sử dụng cảm biến chuyển động 500 Hz đo lường quán tính (IMU), cho phép thu thập dữ liệu chuyển động của trái bóng với độ chính xác cao và gửi đến tổ trọng tài video trong suốt trận đấu. Vì vậy, nó cũng sẽ giúp cải thiện các quyết định bằng VAR.
Adidas lưu ý rằng công nghệ mới "hoàn toàn vô hình" và không thể cảm nhận thấy đối với các cầu thủ. Nó không ảnh hưởng đến hiệu suất của họ. Cảm biến được cấp năng lượng bởi pin và có thể sạc bằng cảm ứng. Về kết cấu bề mặt, Al Rihla sử dụng chất liệu da polyurethane (PU) mới giúp tăng cường khí động học để cải thiện độ chính xác và ổn định của bóng khi bay. Al Rihla cũng là quả bóng World Cup đầu tiên chỉ sử dụng keo và mực gốc nước thân thiện với môi trường.
CÔNG NGHỆ PHÁT HIỆN VIỆT VỊ BÁN TỰ ĐỘNG
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ chính thức áp dụng công nghệ phát hiện việt vị bán tự động lần đầu tiên tại World Cup 2022 ở Qatar. Công nghệ này dựa trên 12 camera quang học chuyên dụng gắn dưới mái sân vận động và tất cả được đồng bộ hóa với nhau. Dữ liệu theo dõi sẽ xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần mỗi giây.
Mặt khác, công nghệ bắt việt vị mới của FIFA sử dụng cả trí tuệ nhân tạo sẽ tổng hợp thông tin và gửi đến phòng VAR trong vòng vài giây. Tổ trọng tài VAR sẽ nhận được cảnh báo nếu hệ thống phát hiện ra việt vị. Nhiệm cụ của tổ VAR là phải đánh giá lại tình hình theo cách thủ công để xem tín hiệu có gì sai sót hay không, rồi tư vấn cho trọng tài chính.
FIFA ước tính công nghệ phát hiện việt vị này sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn 20- 25 giây. Ngoài ra, FIFA còn dự định sẽ cho khán giả có mặt trên khán đài cũng như những người theo dõi qua truyền hình xem một minh họa 3D về quyết định, nhiều khả năng vào giờ nghỉ tiếp theo sau tình huống.
DỊCH VỤ HỖ TRỢ NGƯỜI KHIẾM THỊ
“Bình luận chi tiết cao” (ADC) là dịch vụ đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị tại giải đấu bóng đá. Theo đó, người khiếm thị sẽ được trải nghiệm không khí và các diễn biến trên sân bằng âm thanh chân thật nhất có thể. Bình luận viên dành riêng cho dịch vụ này không chỉ bình luận diễn biến trận đấu, mà còn chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, không khí sân vận động, màu sắc và tất cả những thông tin mà người khiếm thị cần biết.
Để sử dụng dịch vụ, người hâm mộ chỉ cần tải về ứng dụng điện thoại và nghe qua tai nghe. Họ cũng có thể nghe bình luận tại nhà thông qua một mã số đặc biệt. Ngoài tiếng Anh, World Cup 2022 ở Qatar sẽ là giải đấu lớn đầu tiên cung cấp dịch vụ này bằng tiếng Ả Rập. Alan March, một trong những người tham gia bình luận, tin rằng dịch vụ ADC sẽ giúp người khiếm thị theo dõi trận đấu dễ dàng hơn rất nhiều. "Các bình luận viên sẽ mô tả chi tiết nhất có thể, cả những điều mà khán giả truyền thống không bao giờ để ý. Ví dụ, chúng tôi không chỉ đọc tên cầu thủ mà còn chỉ rõ tư thế nhận bóng và vị trí cầu thủ trên sân. Kiểu tóc và hình xăm cũng được miêu tả chi tiết”.