Quý 1, Công ty mẹ PV Oil báo lãi gần 191 tỷ đồng
Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP - PV Oil (mã Oil-HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021...
Theo đó, doanh thu thuần của PV Oil đạt 11.768 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước (17.685 tỷ đồng). Sau khi trừ các chi phí, PV Oil báo lãi sau thuế đạt gần 191 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 537,7 tỷ) - trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 141,5 tỷ đồng - cùng kỳ lỗ gần 423 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 3.534 tỷ xuống còn 1.363 tỷ đồng - trong đó các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ hơn 1.027 còn hơn 150 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng từ 1.829 tỷ lên 2.362 tỷ đồng; tổng tài sản tăng từ 22.075 tỷ lên 23.671 tỷ đồng và công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 762 tỷ đồng thời điểm cuối quý 1/2021.
Theo giải trình từ phía PV Oil, lợi nhuận công ty mẹ đạt hơn 191 tỷ đồng là do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới, cụ thể giá dầu Brent bình quân quý 1/2021 là 61,5 USD/tháng tăng 51% tương đương 20,9 USD/thùng so với cùng kỳ là 40,6 USD/thùng, do đó cũng làm lợi nhuận trên BCTC hợp nhất tăng.
Tuy nhiên, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất thì lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PV Oil lại âm gần 1.500 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này chỉ âm gần 66 tỷ đồng.
Năm 2021, PV Oil đặt mục tiêu doanh thu đạt 55.750 tỷ đồng, tăng 10%; lãi sau thuế 320 tỷ đồng - trong khi năm trước lỗ 166 tỷ đồng. Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý 1, Oil đã hoàn thành được 21% mục tiêu về doanh thu và gần 60% mục tiêu về lợi nhuận.
PV Oil xây dựng kế hoạch trên cơ sở dự báo giá dầu thô giao động ở mức 45 USD/thùng, nguồn cung xăng nhập khẩu ngày càng dồi dào khi có thêm nguồn xăng từ các nước Asean với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo hiệp định AKFTA.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi việc nhà nước sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong năm 2021 với dự kiến sẽ thay đổi quy định như giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày còn 10 ngày cũng như giảm số ngày tồn kho tối thiểu từ 30 ngày còn 20 ngày nguồn cung và thay đổi trong giá xăng dầu bán lẻ được đề cập chi tiết và minh bạch hơn.
Về giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, PV Oil tiếp tục thoái vốn các công ty liên kết hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính, xúc tiến thoái hết vốn tại Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư - Petec, (mã PEG-UPCoM). Hiện, PV Oil đang sở hữu 235 triệu cổ phiếu PEG, tương đương với 94,55% vốn, giá thị trường đạt 1.692 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ VCSC cho biết, Petec đã ghi nhận lỗ trong các năm qua do công suất nhà kho của Petec trùng lắp với hệ thống nhà kho của Oil, dẫn đến không tận dụng hết công suất kho chứa của Oil và công ty đã trình kế hoạch để chốt phương án cổ phần hóa và chờ đợi phê duyệt từ Chính phủ.
Theo PV Oil, đề xuất này đã được chuyển sang Bộ Công thương để phê duyệt – thay vì chờ đợi Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh Nghiệp như trước đây – là diễn biến tích cực khi Oil kỳ vọng có thể tăng tốc quá trình này. Nếu kế hoạch cổ phần hóa được thông qua, PV Oil có thể thoái vốn toàn bộ khỏi Petec. GAS hiện đang đàm phán với PV Oil về việc thâu tóm cổ phần của PV Oil tại Petec để GAS có thể tăng công suất tại trạm LNG Thị Vải.
Về kế hoạch phát triển dài hạn: PV Oil chia sẻ rằng có kế hoạch sẽ mở 200 trạm xăng mới để đạt 800 trạm xăng vào năm 2025, tương ứng với 40 trạm/năm. Ngoài ra, nhằm tận dung xu hướng xe điện trong tương lại, PV Oil đang hợp tác với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) để thực hiện thí điểm trạm sạc cho ôtô điện tại các trạm xăng của Oil ở Đà Nẵng, nhằm thăm dò nhu cầu thị trường.