14:11 09/12/2021

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ phê duyệt chậm nhất vào tháng 1/2022

Thanh Xuân

Dự kiến, sớm nhất là cuối tháng 12/2021 và chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022 là đủ cơ sở pháp lý để thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức lễ ký Chương trình hợp tác giữa UBND TP. Hà Nội và Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP. Hà Nội về lĩnh vực quy hoạch xây dựng trên địa bàn Thủ đô.

Tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đến nay thành phố đã phê duyệt 33 đồ án.

Còn 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tháng 7/2021, thành phố đã nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai quy hoạch phòng, chống lũ. Tháng 10/2021, UBND TP đã gửi hồ sơ xin ý kiến của Bộ Xây dựng theo quy định.

Dự kiến, trong tháng 12/2021, Bộ sẽ có thỏa thuận thống nhất chính thức. Sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022 là đủ cơ sở pháp lý để thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP đã triển khai kế hoạch rà soát, đánh giá quy hoạch và tổ chức lập đồ án theo quy định. Đồng thời cũng thành lập Ban chỉ đạo thành phố lập quy hoạch và tổ chức hội thảo khoa học "Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội".

Dự kiến, các công việc liên quan sẽ báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tháng 12/2021.

Trong giai đoạn 2021 – 2026, thành phố Hà Nội thống nhất với Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội quy hoạch phát triển đô thị thành phố hợp tác ở một số hoạt động cụ thể. Tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành xây dựng và của thành phố về: quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn; tham gia, tổ chức các hội thảo khoa học về lĩnh vực quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, về các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội sẽ tham gia việc triển khai một số đồ án theo Kế hoạch quy hoạch năm 2021 2026 của UBND thành phố. Hợp tác với các tổ chức quốc tế tham gia tư vấn, góp ý, phản biện, đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Tham gia tư vấn góp ý, phản biện đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng. Tham gia tư vấn, phản biện đối với các đồ án quy hoạch chỉnh trang đô thị, đặc biệt đối với khu vực nội đô lịch sử; Thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc...

Bên cạnh những công việc trên, trong thời gian tới, thành phố cũng tiếp tục triển khai việc cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử. Phấn đấu hoàn thành: diện tích sàn xây dựng nhà ở: 1,23 triệu m2; diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội: 0,192 triệu m2.

Mặt khác quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giao đất dịch vụ; tăng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đất đai, nhất là cho tổ chức tôn giáo. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tăng cường bảo vệ môi trường, triển khai Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.