06:00 05/07/2023

Quyền lợi của khách hàng được giải quyết thế nào nếu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản?

Kỳ Phong

Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp baỏ hiểm nhân thọ phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, khách hàng sẽ được Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chi trả không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng...

 Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ chi trả cho khách hàng nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hay phá sản.
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ chi trả cho khách hàng nếu doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hay phá sản.

Ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Nghị định 46 có các quy định chi tiết về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Theo Nghị định, quỹ này do Bộ Tài chính quản lý, quyết định sử dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích. Nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiểu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại.

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành, toàn bộ số dư của quỹ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu Chính phủ. Bộ Tài chính tự thực hiện hoặc ủy thác cho một tổ chức thực hiện đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ. Tổ chức này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư.

Quỹ này được sử dụng để chi trả cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản, mất khả năng thanh toán.

Cụ thể, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quỹ được chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng Việt Nam/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Tương tự, đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn nợ quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, nghị định quy định doanh nghiệp phải chịu số tiền chậm nộp quỹ với mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp quỹ và thời gian tính tiền chậm nộp quỹ được tính liên tục kể từ ngày nghị định này có hiệu lực đến ngày liền kề trước ngày số tiền được nộp vào ngân sách.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn thành việc nộp số tiền còn nợ quỹ và số tiền chậm nộp quỹ trước ngày 1/1/2024.

Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu từ ngày 1/7/2023 trừ các quy định sau có hiệu lực từ ngày 1/1/2023: Điều 33, Mục 6 Chương II, các Điều 81, 82, 83, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 93 Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.