Rút ngắn quy trình thủ tục dự án nhà ở xã hội còn hơn 4 tháng
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã xem xét rút ngắn quy trình thủ tục của dự án nhà ở, từ 500 ngày có thể giảm xuống còn 133 hoặc 217 ngày tùy từng trường hợp…
Các đại biểu cho rằng TP.HCM cần tăng cường quản lý về xây dựng nhà ở không phép, sai phép; phát triển nhà ở xã hội; quan tâm đến các dự án chậm triển khai thực hiện, nhất là dự án thương mại.
CẦN GỠ CÁC VƯỚNG MẮC
Tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về thực hiện chương trình nhà ở thành phố giai đoạn 2016-2021, diễn ra vào sáng ngày 24/6/2022, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở tại TP.HCM tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn (chủ yếu là nhà ở dân tự xây, tăng 38,5 triệu m2 sàn; nhà ở thương mại tăng thêm 13,98 triệu m2 sàn; nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn).
Thời gian qua, thành phố gặp nhiều vướng mắc trong việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 (mới chỉ sửa chữa 199 chung cư cũ với 275,5 tỷ đồng). Tương tự, công tác cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do quy hoạch lộ giới hẻm chưa phù hợp thực tế.
Trong khi đó, công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch với nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho chương trình này rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Các dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách là chính (62%, gồm 59 dự án, với gần 27.000 tỷ đồng).
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án (tương ứng 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% kế hoạch). Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển thêm 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Để phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội để làm cơ sở pháp lý. Đồng thời, xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…
Đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội (gồm cả nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất) được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với nhà ở phục vụ tái định cư, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về cơ quan, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư.
Về chỉnh trang và phát triển đô thị, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định về trình tự thủ tục thực hiện đối với các trường hợp người sử dụng đất tự nguyện hiến, tặng, cho một phần diện tích của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng khác.
“Đây sẽ là cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường, mở rộng hẻm trong thời gian tới trên địa bàn TP.HCM”, ông Quân nói.
LÀM RÕ 20% NGHĨA VỤ VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI
Ngoài ra, nhà ở xã hội là vấn đề TP.HCM rất quan tâm, có nhiều giải pháp ưu tiên tối đa. Thực tế khảo sát cho thấy cần phân bố nhà ở xã hội đồng đều ở các khu vực, cũng như cần nghiên cứu điều chỉnh về hạ tầng giao thông tại nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở xã hội, làm rõ về số tiền chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội bằng hình thức nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%.
Bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết qua giám sát ở các địa phương thấy có nhiều đất sạch (như ở phường Hiệp Thành tại quận 12, hay khu đất ở Âu Dương Lân tại quận 8…). Nếu rà soát được để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ có thêm được nhiều dự án hơn.
Về vấn đề nhà ở xã hội, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, qua giám sát và tiếp xúc với công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, vận động viên cho thấy nhu cầu thuê nhà, nhà lưu trú, ký túc xá, nhà trọ… rất lớn. Vừa qua, UBND TP.HCM đã xem xét rút ngắn quy trình thủ tục của dự án nhà ở, từ 500 ngày có thể giảm xuống còn 133 hoặc 217 ngày tùy trường hợp.
“Đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sẽ hoàn thành hoặc khởi công được 50% việc di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc địa bàn thành phố. Hiện tại, thành phố đã duyệt 3 dự án chỉnh trang đô thị tại quận 7, với khoảng 2.700 hộ dân được cải thiện nhà ở. Dự án rạch Xuyên Tâm ở Bình Thạnh có thể vận hành được thì có thể khởi động các dự án khác”, ông Mãi nói.
Nhận định về chương trình phát triển nhà ở tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Trưởng đoàn giám sát, cho biết giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 47 dự án (25 triệu m2 sàn), nhưng hết quý 1/2022 mới chỉ hoàn thành được 01 dự án.
Do đó, bà Lệ đề nghị UBND TP.HCM cần ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương, đơn vị đã có quỹ đất sạch nhưng thiếu vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ dự án nhà ở thương mại có bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương 20% quỹ đất để sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp tiền tương đương 20% quỹ đất vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè hiện có quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa có vốn đầu tư.
UBND TP.HCM cần sớm ban hành Quy trình thủ tục rút gọn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…
TP.HCM có khoảng 60.470 công trình nhà ở (nhà trọ) do người dân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê. Trong đó, có 7%-18% không đạt tiêu chí về diện tích (dưới 5m2/người); 2% không đạt về tiêu chí về cơ sở vật chất; 32% - 36% không có hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy. Tổng kinh phí dự kiến sửa chữa, cải tạo để đảm bảo tiêu chuẩn là khoảng 760 tỷ đồng.
Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM.
Đối với nhà ở thương mại, UBND TP.HCM tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện các dự án nhà ở thương mại. Hỗ trợ, tạo điều kiện đối với chủ đầu tư chấp hành tốt các quy định, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án. Có biện pháp cụ thể đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án không đảm bảo chất lượng, không có khả năng thực hiện dự án…;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án nhà ở thương mại để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến chất lượng công trình... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi lựa chọn sinh sống tại các căn hộ chung cư.
Đối với nhà ở riêng lẻ, nhà do hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư cho người lao động thuê, TP.HCM cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ và quản lý đối với loại hình nhà ở này…