10:23 26/02/2008

“Rút tiền về sẽ tác động dần tới giá cả”

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn trao đổi với báo chí về các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ

Điều chỉnh tăng giá xăng ngày 24/2.
Điều chỉnh tăng giá xăng ngày 24/2.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Viết Ngoạn trao đổi với báo chí về các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Ông đánh giá thế nào về việc tăng giá xăng trong lúc Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát?

Phải nói rằng vào thời điểm hiện nay ta gặp rất nhiều mâu thuẫn: Vừa muốn kiểm soát giá cả để kiềm chế lạm phát, vừa phải áp dụng nguyên tắc của thị trường trong vấn đề giá cả. Chúng ta không thể kéo dài quá trình bao cấp, vì sẽ giúp buôn lậu gia tăng, làm méo mó quan hệ giá cả.

Trong điều kiện hiện nay, ta nên dùng biện pháp tiền tệ, cân đối mặt hàng mà chúng ta có khả năng như lương thực, thực phẩm. Còn những mặt hàng chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài như xăng dầu và một phần sắt thép, thì không nên bù giá.

Ông đánh giá thế nào về các giải pháp kiềm chế lạm phát thời gian qua của Chính phủ? 

Chính phủ đã dùng 3 biện pháp tiền tệ để hạn chế lạm phát, ổn định giá cả.

Một là tăng lãi suất, hai là tăng dự trữ bắt buộc và thứ ba là rút tiền về. Có điểm hết sức chú ý, đó là chống lạm phát cũng như rút tiền về là nhiệm vụ trong cả năm, chứ không phải ngày một, ngày hai là phải làm ngay.

Một nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng trung ương là phải đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Có nghĩa là tại một thời điểm nào đó, ngân hàng nào đó có những khó khăn vướng mắc về mặt tiền tệ thì ngân hàng trung ương phải đảm bảo "bơm" tiền ra. Việc này thời gian qua làm chưa hài hoà.

Các giải pháp giảm lạm phát đã tung ra, nhưng tại sao giá cả vẫn tăng?

Biện pháp rút tiền về mới thực hiện trong thời gian ngắn thì không thể nào tác động ngay tới giá cả, mà sẽ tác động dần dần trong một thời gian. Lâu nay trong thuật ngữ chuyên môn gọi là có "độ chết thời gian". Thông thường ở các nước, người ta đưa ra các giải pháp chống lạm phát với mục tiêu từ 1 tới 3 năm.

Vậy để đạt mục tiêu chống lạm phát, bình ổn giá cả, theo ông, sắp tới Chính phủ nên có các giải pháp gì?

Trước mắt nên tuyên truyền để hạn chế yếu tố tâm lý mà những người khác thừa cơ đẩy giá lên. Thứ hai, tôi cho rằng cần thiết phải có biện pháp quản lý, kiểm soát trong một số trường hợp nhất định.

Ở một số nước, người ta đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát giá. Như Trung Quốc quy định tất cả mặt hàng đều phải niêm yết giá, mà mỗi lần điều chỉnh giá 5% đều phải báo cáo.