Sau “ngủ đông” vì Covid-19, doanh nghiệp sẽ “tái tạo” và “đổi mới” trong 2022
Sau giai đoạn “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, năm 2022 sẽ là năm các doanh nghiệp “tái tạo” và “đổi mới” để tận dụng cơ hội bứt phá trở lại…
Cuộc Tọa đàm "Tái tạo – Đổi mới để bứt phá" do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức cuối tuần qua được mở đầu bằng một câu nói của ông Peter Drucker, chuyên gia tư vấn về quản trị hàng đầu thế giới: “Sự nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng mà chính là cách giải quyết theo tư duy lối mòn”.
NHỮNG XU THẾ MỚI
Người dẫn lại câu nói này là ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, một diễn giả tham dự tọa đàm với bài tham luận về tổng quan kinh tế 2021 và triển vọng 2022.
Với tỷ lệ tiêm chủng vaccine thuộc nhóm đầu thế giới, ông Thinh tin rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế là rất lớn với tăng trưởng GDP có thể đạt từ 6,5-7%.
“Chúng ta không còn hoang mang với con số hàng chục ngàn ca nhiễm mới khi tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam vượt 190 triệu liều và số ca trở nặng và tử vong giảm nhiều. Niềm tin về khả năng khống chế dịch và đạt miễn dịch cộng đồng sẽ giúp kinh tế bật tăng”, ông Thinh nói.
Về xu hướng tái thiết trong tương lai, đại diện Deloitte cho biết khảo sát 500 CEO hàng đầu cho thấy họ lạc quan về thời điểm kết thúc đại dịch. Covid-19 sẽ không còn là đại dịch mà chỉ là căn bệnh và mọi hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường.
“Tuy vậy, sau đại dịch, nhu cầu cân bằng cuộc sống trở nên rõ nét. Phương thức và cách thức làm việc cũng thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, cách thức hợp tác với các đối tác cũng đòi hỏi có sự chuyển đổi thích ứng”, ông Thinh nhận định.
Dưới góc nhìn của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, không chỉ Covid-19, khu vực doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều bất ổn, xung đột. Do vậy, doanh nghiệp nên thích ứng để bình tĩnh, xây dựng chiến lược vượt qua và sống sót trong khủng hoảng.
“Đa phần doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bạn chỉ mải làm (do) mà quên mất phải vừa nghĩ vừa làm (think and do) để có chiến lược phù hợp, tránh thất bại và rút ngắn thời gian thành công”, ông Đoàn chia sẻ.
ĐỔI MỚI VÀ LIÊN KẾT
Để thích ứng với những thay đổi, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của teamwork, của liên kết. Doanh nghiệp nhỏ không thể mãi đứng một mình trong chuỗi giá trị ngày càng lớn và sự vận hành ngày càng nhanh của nền kinh tế.
“1+1 không chỉ bằng 3 mà có thể bằng 11 thì mới mau chóng tăng được sức mạnh để cạnh tranh”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Nhưng để có sự liên kết thực chất, theo ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services Corp đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhiệm kỳ này, phải bắt đầu bằng tư duy, bằng đổi mới.
“Doanh nghiệp muốn liên kết, muốn phát triển thì trước hết phải tái tạo, đổi mới để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế sau đại dịch. Không thể bắt đối tác hợp tác hay liên kết với mình nếu trình độ của doanh nghiệp không phù hợp”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow lại nhắc tới chiến lược chuyển đổi số như một việc tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn trụ vững và phát triển trong thời gian tới. Bởi chính sự chuyển đổi này đã giúp Eurowindow vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty CANIFA lại tập trung đổi mới cách thức quản trị để tối ưu chi phí và đẩy mạnh kênh bán hàng online nhằm mở rộng doanh thu.
Ngay cả nhóm được cho là hưởng lợi từ dịch bệnh, như công ty công nghệ của ông Nguyễn Khoa Bảo, Chủ tịch HĐQT FSI, thì bài toán đổi mới cũng không đơn giản.
“Chúng tôi phải chuyển đổi số trước thì mới thuyết phục được khách hàng của mình. Cũng nhờ chuyển đối số, một dự án trước đây cần 200 người, thời gian 6 tháng giờ chỉ cần 50 người và 3 tháng. Ngay cả khi cần giãn cách, chúng tôi vẫn triển khai được công việc với khách hàng”, ông Bảo cho biết.