SCIC báo lãi gần 5.000 tỷ đồng sau 6 tháng
Lũy kế đến 30/6/2024, danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng.
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, tại Hội nghị ông Phó Tổng Giám đốc Đinh Việt Tùng cho biết, sau 6 tháng đầu năm 2024, SCIC đạt tổng doanh thu 4.143 tỷ đồng - bằng 47% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.369 tỷ đồng -tương ứng 80% kế hoạch năm và bằng 167% cùng kỳ năm 2023; lãi sau thuế đạt 4.989 tỷ đồng - bằng 162% so với cùng kỳ.
SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 01 doanh nghiệp (CTCP Xây lắp điện Quảng Nam) với vốn nhà nước là 5,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 27 tỷ đồng. Cũng trong tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Ủy ban và SCIC về việc thống nhất danh mục doanh nghiệp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Bộ Công Thương về Uỷ ban và SCIC để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bán vốn được SCIC chủ động triển khai và đẩy mạnh, kết quả SCIC đã bán thành công 02 doanh nghiệp, với tổng doanh thu 181 tỷ đồng, đạt 8,3% kế hoạch.
Về công tác quản trị doanh nghiệp, lũy kế đến 30/6/2024, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 112 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng.
SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.
Tại Hội nghị Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ông Nguyễn Cảnh Toàn chỉ đạo một số nội dung và nhiệm vụ trọng tâm cho SCIC bao gồm:
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh các hoạt động và giải pháp như chủ động xây dựng và thực hiện các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động hiệu quả doanh nghiệp.
Thứ hai, là đẩy mạnh công tác đầu tư, tích cực nghiên cứu việc tham gia các dự án lớn và kết cấu hạ tầng chiến lược, đầu tư tài chính vào và những dự án then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển. Từng bước nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ.
Thứ ba, là tập trung giải quyết các dự án yếu kém, chậm tiến độ, điển hình là việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với Dự án Tisco 2 và Dự án VTM. Song song với đó, nâng cao chất lượng, tiến độ xử lý các công việc được giao, tiếp tục và làm tốt hơn nữa công tác tham mưu; tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức nhằm đảm bảo kịp thời tiến độ xử lý các công việc.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà, đất tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ - CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để triển khai bán vốn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp quy mô lớn. Triển khai quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả tại hai dự án Tisco 2 và VTM.
Thứ tư, là tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà đất, liên tục cập nhật và bám sát theo quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng thực hiện công tác sắp xếp nhà đất theo đúng các quy định liên quan.
Thứ năm, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ SCIC, Chiến lược phát triển của SCIC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tích cực, chủ động làm việc với các đơn vị chức năng của của UBQLVNN trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra; chủ động tham gia cùng các cơ quan chức năng của các Bộ, ban, ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của SCIC; tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy chế quản trị nội bộ, đổi mới chính sách liên quan đến hoạt động của SCIC để đạt được mục tiêu toàn diện.